Trò chuyện với NTNN quanh bộ phim sẽ phát sóng trên VTV3 từ ngày 6.7, đạo diễn Mai Hồng Phong cho biết: “Không phải mặt trái nào cũng có thể đưa hết lên phim được, mà phải có sự chọn lựa, cân nhắc”.
Anh hay than thở rằng, chưa bao giờ anh gặp bộ phim nào khó làm như bộ phim này, vì sao vậy?
- Cái khó mà tôi gặp phải ở đây nằm trong tất cả các khâu, các vấn đề của bộ phim. Thứ nhất là độ dài của phim, thứ hai là thông điệp nội dung truyền tải, cũng như tất cả các bộ phim khác đều ẩn chứa đầy những mâu thuẫn, đầy những vấn đề đang nóng trong xã hội bây giờ. Thường thì phim truyền hình đưa ra tình huống, sau đó là giải quyết vấn đề theo chiều hướng nhẹ nhàng, đơn giản.
Cảnh trong phim “Mặt nạ da người”.
Nhưng với bộ phim này, tác giả kịch bản đã đưa ra nhiều tình huống mà dưới góc độ đạo diễn, tôi thấy rất khó. Cụ thể có những tình huống phức tạp có tính hành động cao, nhiều kịch tính, mâu thuẫn lồng trong mâu thuẫn được xảy ra liên tục như cháy nhà, cướp của, bắt cóc và giải cứu con tin, hủy hoại tài sản, mưu sát… nên anh em tôi có đùa nhau rằng mình đang làm phim điện ảnh chứ không phải phim truyền hình nữa.
Khán giả mong chờ “Mặt nạ da người” sẽ đề cập trúng và đúng đến những vấn đề nóng của xã hội hôm nay, điều đó có thể hiện trong phim không?
- Đó chính là vấn đề khó tiếp theo mà tôi gặp phải. Phim động đến vấn đề nhạy cảm mà xã hội đang rất quan tâm là lợi ích nhóm và quyền lực nhóm. Trong “Mặt nạ da người”, sự câu kết giữa các thế lực với nhau để tạo thành quyền lực nhóm có thể là giới bất động sản liên kết với những người trong ngành y tế và những người làm báo đứng đằng sau điều hành mọi việc.
Vậy khi làm bộ phim này, anh có phải chịu sức ép gì không?
- Đây là bộ phim hành động nhưng lại thấp thoáng có tính chính luận, mà làm phim chính luận khó một điều là không phải mặt trái nào cũng có thể đưa hết lên phim được, phải có sự chọn lựa, cân nhắc để làm sao những gì mình muốn truyền tải phục vụ cho sự phát triển chung của xã hội. Phản ánh để xây dựng, chứ không phải liệt kê hay một ý đồ nào khác, nên đó cũng là một sức ép tương đối lớn đối với êkip làm phim chúng tôi.
“Mặt nạ da người” dài 42 tập, nội dung xoay quanh những mối liên kết ngầm giữa những con người của một tòa soạn báo, một bệnh viện và một tập đoàn bất động sản lớn.
Rất nhiều phim truyền hình Việt muốn tạo sự kịch tính nhưng đã từng bị chê tơi tả vì làm chưa tới, với bộ phim này, anh có lo sẽ nhận những nhận xét như vậy?
- Tôi cũng không dám nói mình có hy vọng làm được hơn thế hay không, nhưng trước hết bộ phim “Mặt nạ da người” là đứa con tinh thần của cả êkip đoàn làm phim. Chúng tôi làm bộ phim bằng tất cả sự tâm huyết nỗ lực, ý chí và cả sự tôn trọng khán giả. Khi làm phim, tôi thường đặt mình dưới góc nhìn của khán giả để xem nếu là khán giả trong cảnh quay này, khán giả có thể chấp nhận hay không chấp nhận.
Có thể khán giả khi xem sẽ thấy rất nặng nề và cảm nhận rõ sự tàn nhẫn trong đó, nhưng đoàn làm phim cũng muốn cho người xem thấy rằng, cuộc sống ở ngoài đời có thể xảy ra những điều như thế và luật nhân quả sẽ xảy đến.
Xin cảm ơn anh!
Thanh Hà
theo Dân Việt