Sự kiện hot
11 năm trước

Vải tươi tiêu thụ mạnh tại TP HCM

Tiêu thụ vải tươi tại ba chợ đầu mối TP HCM (Bình Điền, Hóc Môn và Thủ Đức) tăng gấp hai lần, từ khoảng 700 tấn/ngày lên trên 1.300 tấn/ngày.

Thông tin này được đưa ra trong văn bản về tình hình tiêu thụ vải năm 2014 do Bộ Công thương ban hành ngày 27/6 vừa qua. Bộ Công thương cho rằng đến nay việc tiêu thụ vải tươi đang diễn ra tương đối thuận lợi. Trong khoảng một tuần trở lại đây, trung bình mỗi ngày có khoảng 1.700 tấn quả vải tươi được xuất khẩu qua Vân Nam (Trung Quốc). Nước vải ép, vải sấy khô, vải đông lạnh có giá trị gia tăng cao (chiếm khoảng 15% tổng lượng xuất khẩu) đang được xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, EU...

 

Theo Bộ Công thương, tổng sản lượng vải thiều năm nay đạt khoảng 190.000 tấn, tăng 13,6% so với năm 2013. Bình thường tiêu thụ trong nước chiếm khoảng 60%, còn lại là xuất khẩu. Hiện Bộ Công thương cho biết đã phối hợp với Hiệp hội Các nhà bán lẻ, Sở Công thương để tăng tiêu thụ vải tại các siêu thị, chợ đầu mối... Bộ cũng yêu cầu các phòng quản lý xuất nhập khẩu khu vực bố trí bổ sung nhân lực làm thêm giờ, kể cả ngày nghỉ để tạo thuận lợi tối đa cho việc xuất khẩu vải.

 

Không riêng gì người dân, nhiều DN cũng hỗ trợ nông dân tiêu thụ vải tươi trong nhiều ngày qua. Công Ty TNHH Xử Lý Chất Thải Rắn Việt Nam (Vietnam Waste Solutions-VWS) đã phối hợp cùng Sở Công Thương TP HCM đã chia sẻ với nông dân bằng việc làm thiết thực là mua vải, giúp nông dân bán được sản phẩm ở thị trường nội địa.Công ty VWS đã chi 100 triệu đồng để mua khoảng 6 tấn vải tại chợ đầu mối Thủ Đức, với giá 17.000đ/kg giúp đỡ nông dân.


Vải tươi tiêu thụ mạnh tại các chợ đầu mối TPHCM

 

Cụ thể, Công ty đã chi 100 triệu đồng để mua khoảng 6 tấn vải tại chợ đầu mối Thủ Đức, với giá 17.000đ/kg. Số lượng vải này sẽ được tặng cho người dân 3 xã Đa Phước, Qui Đức, Phong Phú và Trường Giáo Dục Chuyên Biệt Rạng Đông huyện Bình Chánh, TP HCM; Khu chế xuất Linh Trung 2, Người dân 2 xã Cần Thạnh và Long Hòa huyện Cần Giờ; Làng trẻ SOS, Trại trẻ mồ côi Tam Bình; Nhà trẻ Linh Xuân quận Thủ Đức cùng một số đơn vị từ thiện xã hội ….

 

“Việc làm này không chỉ hỗ trợ nông dân trong lúc gặp khó khăn, giúp nông dân bán được sản phẩm ở thị trường nội địa mà còn thể hiện tấm lòng của Ban Giám Đốc công ty đối với những đơn vị từ thiện xã hội và người dân đóng trên địa bàn nhà máy.”, bà Huỳnh Thị Lan Phương-phó Tổng Giám Đốc VWS chia sẻ.

 

Trước đó, đại diện Liên hiệp hợp tác xã Thương mại TP HCM (Saigon Co.op) cũng cho biết, trước thực trạng trái vải thiều đang gặp nhiều khó khăn ở đầu ra do thị trường xuất khẩu chính là Trung Quốc bị bế tắc, các hệ thống phân phối hàng hóa trên cả nước của Saigon Co.op đang triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ và đẩy mạnh việc tiêu thụ vải thiều của bà con nông dân, nhất là nông dân trồng vải thiều ở hai tỉnh Bắc Giang và Hải Dương, nhằm giảm sự lệ thuộc vào nước ngoài và đẩy mạnh hưởng ứng thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

 

Chỉ riêng hệ thống siêu thị Co.opmart tại TP HCM và các tỉnh, thành Đông-Tây Nam bộ đã tiêu thụ hơn 10 tấn vải thiều/ngày và đang có xu hướng gia tăng do loại trái cây này đang được mùa và giá tốt. Thời điểm này, các Co.opmart vẫn đang tiến hành đẩy sức mua cho trái vải tại siêu thị bằng cách tăng cường quy mô trưng bày và áp dụng giảm giá. Ước tính, từ đầu tháng 6/2014 đến nay, hệ thống siêu thị Co.opmart, chuỗi cửa hàng chuyên doanh thực phẩm Co.op Food và đại siêu thị Co.opXtra tại Thủ Đức của Saigon Co.op đã giúp nông dân tiêu thụ gần 200 tấn vải tươi. Dự kiến, đến cuối tháng 6 này, Saigon Co.op sẽ giúp người trồng tiêu thụ ra thị trường khoảng 500 tấn vải tươi.

 

Được biết, ngoài 2 đơn vị trên, Sở Công thương TP HCM cho biết, cũng sẽ phối hợp liên kết và khuyến khích nhiều đơn vị doanh nghiệp, cá nhân khác cùng tham gia các chương trình thu mua để tăng cường khả năng tiêu thụ của thị truờng khu vực phía Nam nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn cho nông dân. Hiện nay, vải của Việt Nam chủ yếu được xuất khẩu dưới dạng quả tươi sang Trung Quốc, Lào, Campuchia... là các nước có vị trí địa lý gần với Việt Nam (chiếm khoảng 85% tổng lượng xuất khẩu), trong đó lượng xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm trên 90%.

 

Các sản phẩm được chế biến từ quả vải như nước vải ép, vải sấy khô, vải đông lạnh đóng lọ có giá trị gia tăng cao chủ yếu được xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, EU… mới chỉ chiếm khoảng 15% tổng lượng xuất khẩu.

 

Dự kiến năm 2014 tổng sản lượng vải thiều đạt khoảng 190.000 tấn, tăng 13,6% so với mùa vụ năm 2013, trong đó tập trung chủ yếu tại các huyện Thanh Hà, thị xã Chí Linh (tỉnh Hải Dương) và các huyện Tân Yên, Lục Nam, Yên Thế, Lạng Giang, Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang).

 

Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các bộ, ngành và các địa phương liên quan tiếp tục thực hiện đồng bộ các biện pháp nhằm đẩy mạnh tiêu thụ và xuất khẩu mặt hàng này, trong đó tập trung nghiên cứu đưa mặt hàng quả vải và các sản phẩm được chế biến từ quả vải vào chương trình thương hiệu quốc gia, chương trình xúc tiến thương mại quốc gia; xây dựng chỉ dẫn địa lý đối với quả vải thiều tỉnh Hải Dương, tỉnh Bắc Giang nhằm gia tăng giá trị xuất khẩu…

 

Mặt khác, Bộ Công Thương sẽ chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chủ động hơn nữa trong công tác mở rộng khai thông thị trường quốc tế, tháo gỡ rào cản trong quá trình đàm phán các hiệp định thương mại đa phương và song phương.

 

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng sẽ phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang triển khai Đề án “Tổ chức dịch vụ giao nhận và hệ thống phân phối mặt hàng nông, lâm, thủy sản từ vùng sản xuất đến cửa khẩu và xuất khẩu sang Trung Quốc” nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam trong khâu lưu thông, xuất khẩu hàng hóa.

 

Nguyên Quốc
theo GĐ&XH

Từ khóa: