Ngày 21/9, đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM đã tổ chức họp góp ý cho Luật Cạnh tranh.
Vẫn chồng chéo quản lý trong Luật Cạnh tranh (Ảnh minh hoạ)
Tại cuộc họp, nhiều đại biểu cho rằng Luật Cạnh tranh đưa ra có nhiều điểm chưa hợp lý.
Cụ thể, liên quan đến quản lý Luật Cạnh tranh, đang có sự chồng chéo và thiếu rõ ràng giữa Cục Quản lý cạnh tranh và Hội đồng cạnh tranh. Ngược lại, trong nhiều vụ việc vi phạm Luật Cạnh tranh cụ thể thì lại có sự đùn đẩy trách nhiệm giữa cơ quan quản lý Luật Cạnh tranh với cơ quan quản lý chuyên ngành.
Ông Nguyễn Duy Thắng, Giám đốc Pháp lý Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) TPHCM, cho biết, hiện những hành vi vi phạm Luật Cạnh tranh như gièm pha DN đối thủ, lôi kéo nhân viên DN đối thủ, lạm dụng lợi thế thống lĩnh thị trường để gây hại cho DN đối thủ… xảy ra thường xuyên nhưng thực tế không có cơ quan chức năng nào giải quyết. Tình trạng này đã và đang gây thiệt hại rất lớn cho DN nhưng những kiến nghị sửa đổi Luật Cạnh tranh trong suốt 12 năm qua vẫn chưa khắc phục được. Chính phủ cần phải hợp nhất cơ quan quản lý, tránh chồng chéo, giảm thủ tục hành chính, tránh xung đột lợi ích giữa các cơ quan chức năng, gây thiệt hại kép cho DN.
Luật Cạnh tranh hiện tại đang có xu hướng giao cho Bộ Công thương quản lý. Tuy nhiên, cũng phải tính đến yếu tố nếu Bộ Công thương đang làm đại diện vốn tại nhiều DN thì việc quản lý Luật Cạnh tranh cũng không bình đẳng cho các DN nói chung. Do đó, trong trường hợp Bộ Công thương vẫn đang đại diện chủ sở hữu vốn tại các DN nhà nước thì việc quản lý Luật Cạnh tranh phải được giao cho cơ quan quản lý độc lập trực thuộc Chính phủ quản lý. Trường hợp Bộ Công thương thoái vốn hết tại các DN thì mới giao Bộ Công thương quản lý Luật Cạnh tranh.
Mặt khác, khi giao về Bộ Công thương quản lý thì phải tính đến năng lực thẩm quyền quản lý cũng như kiểm soát nguy cơ lạm quyền. Cần thiết Chính phủ phải bổ nhiệm người chủ quản và người chủ quản phải được Quốc hội thông qua. Không chỉ vậy, mức phạt tiền DN có hành vi cạnh tranh không lành mạnh là 500 triệu đồng không đủ sức răn đe bởi DN vi phạm Luật Cạnh tranh thường thu lợi nhuận rất lớn so với mức bị phạt. Thẩm quyền xử lý và chế tài những DN vi phạm Luật Cạnh tranh cũng chưa rõ ràng. Do vậy, nên quy định rõ thẩm quyền xử phạt cho đơn vị tố tụng hoặc cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận và xử lý hành vi vi phạm Luật Cạnh tranh.
Một quan ngại khác được nhiều đại biểu tham dự đồng tình là những quy định trong Luật Cạnh tranh chưa phổ quát phạm vi điều chỉnh, nhất là phạm vi bên ngoài biên giới Việt Nam. Hiện đã xuất hiện rất nhiều tổ chức, DN nước ngoài cấu kết bên ngoài lãnh thổ Việt Nam, chi phối và gây thiệt hại cho DN tại thị trường trong nước nhưng không bị xử lý.
Bên cạnh đó, cần có những quy định liên quan đến hoạt động quảng cáo gây ảnh hưởng đến DN sản xuất sản phẩm cùng loại. Đơn cử trường hợp hãng bay quảng cáo bán giá vé 0 đồng hay tự nguyện công bố thành phần nguyên liệu sử dụng đối với các công ty sản xuất mì gói vừa qua… đã ảnh hưởng xấu đến hoạt động kinh doanh của các DN sản xuất khác.
Riêng với quy định cấm những DN hợp nhất có thị phần chiếm hơn 50% thị phần tiêu thụ thì cần được tính toán cơ sở xác định tỷ lệ phần trăm này.
Cần phải phòng ngừa tình trạng DN lách luật theo hướng chủ DN thành lập nhiều DN. Các DN thành viên chiếm một tỷ lệ thị phần thấp hơn mức 50% nên không phải chịu sự kiểm soát hoặc tuân thủ quy định kiểm tra, đánh giá tác động cạnh tranh của việc tập trung kinh tế.
Minh Xuân
Theo Sài Gòn Giải Phóng