Sự kiện hot
12 năm trước

Vẫn còn trường hợp “phạt cho tồn tại”

Ông Nguyễn Thế Thảo, chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết: "Công tác quản lý trật tự xây dựng còn bộc lộ nhiều bất cập, yếu kém. Để xảy ra những tồn tại, yếu kém như Người đưa tin đã nêu, nguyên nhân chủ quan do công tác thông tin, phổ biến giáo dục pháp luật chưa được làm thường xuyên"...

Ông Nguyễn Thế Thảo, chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết: "Công tác quản lý trật tự xây dựng còn bộc lộ nhiều bất cập, yếu kém. Để xảy ra những tồn tại, yếu kém như Người đưa tin đã nêu, nguyên nhân chủ quan do công tác thông tin, phổ biến giáo dục pháp luật chưa được làm thường xuyên"...

Theo ông Thảo: "Quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị còn nhiều bất cập, chưa theo kịp nhu cầu xây dựng thực tế. Chất lượng cấp phép xây dựng chưa cao, thậm chí chưa theo đúng quy hoạch đã duyệt. Khi xảy ra vi phạm, các cơ quan chức năng chưa kịp thời xử lý, hoặc xử lý không triệt để, còn xảy ra tình trạng “phạt, cho tồn tại”. Sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng chưa chặt chẽ... Mặt khác, ý thức chấp hành pháp luật xây dựng của các chủ đầu tư, chủ công trình còn yếu, thậm chí biết là sai song vẫn cố tình vi phạm".

Ông Phạm Sỹ Liêm, phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng: "Một số toà nhà cao tầng bị phát hiện xây dựng sai phép vẫn chưa được xử lý dứt điểm thể hiện sự “bất lực” của các cấp chính quyền. Quan điểm của tôi là phải xử lý mạnh, phá dỡ toàn bộ những phần sai phép. Việc xử lý này có 2 tác dụng là trừng trị kẻ vi phạm và răn đe những người khác. Nếu muốn thực hiện nhanh thì dễ dàng, không có gì phức tạp. Nếu chủ công trình cố tình chây ỳ, nhà nước nên đấu thầu phá dỡ phần vi phạm. Chủ đầu tư không trả thì sẽ thế chấp tòa nhà lấy tiền chi trả phần phá dỡ. Nếu chính quyền cứ ngồi chờ đợi chủ công trình phá dỡ thì sẽ rất lâu, rồi sẽ dần quên không xử lý".

Ông Phạm Gia Yên, chánh Thanh tra, Bộ Xây dựng nêu quan điểm: "Theo các văn bản quy định của pháp luật, việc quản lý trật tự đô thị được phân định rất rõ và được quản lý chặt chẽ từ trên thành phố xuống từng quận, huyện, xã, phường. Trong khi đó căn nhà không phải là con voi, con chuột mà không phát hiện được các vi phạm. Điều cốt lõi sau khi phát hiện thì anh phải xử lý như thế nào mới quan trọng. Trên nguyên tắc sai đến đâu phải cắt hết đến đó. Tuy nhiên tuỳ theo diễn biến thực tế của từng địa phương, cơ sở để đề ra giải pháp mang tính hiệu quả. Tránh kiểu xử lý xong mọi thứ đâu lại vào đấy. Ngoài ra, trong quá trình cũng cần phải tính toán kĩ đến độ an toàn của công trình.

Ông Hoàng Ngọc Thanh, cán bộ tư pháp, phường Phúc Xá, quận Ba Đình, Hà Nội: "Việc cải cách thủ tục hành chính đã mang lại nhiều điều kiện thuận tiện cho người dân. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu qủa quản lý hơn nữa rất cần phải cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực này. Đơn cử, mỗi người dân khu vực ngoài đê sông Hồng muốn xin giấy phép xây dựng nhà như hiện nay phải mất rất nhiều thời gian, gặp không ít khó khăn do các thủ tục quy định. Đầu tiên là việc phải lên Chi cục quản lý đê điều, phòng chống lụt bão (Sở NN&PTNT) để xin hồ sơ chấp thuận. Sau đó là lên phường, lên quận kê khai, nộp hồ sơ cấp giấy phép xây dựng ước chừng cũng mất “đứt” gần 2 tháng. Trong khi đó, phần lớn lại không được cấp giấy đúng hạn quy định thành thử việc vi phạm, thậm chí là lách luật vẫn xảy ra"

Phó chánh thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội - Trần Viết Ngôn cho biết: "Hiện tại có một lỗ hổng rất nguy hại, đó là không ai quy định khi xây nhà phải tiến hành kiểm tra bao nhiêu lần. Trên thực tế, nhiều toà nhà cao tầng khi xây dựng các lực lượng liên ngành vẫn đến thanh kiểm tra thường xuyên. Có toà xây được 7 tầng thì có tới 5 lần được kiểm tra. Thế nhưng sau 5 lần kiểm tra đó không thấy vi phạm, đến tầng thứ 8, thứ 9 phía chủ đầu tư “bỗng dưng” vi phạm, gây không ít khó khăn trong công tác quản lý. Trước đây có quy định kiểm tra công tác hoàn công công trình nhưng nay quy định này đã được bỏ, dẫn đến các trường hợp vi phạm. Do đó, để khắc phục tình trạng này cần phải có quy hoạch đồng bộ, có các quy chuẩn, tiêu chuẩn rõ ràng với từng tuyến phố, lúc đó người ta muốn vi phạm cũng không thể được".

Chỉ làm ngơ khi người ta “đi tắt”: Ông Trần Văn Bình, trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội nêu quan điểm: "Mỗi căn nhà khi muốn tiến hành xây dựng đều phải thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật. Trong khi đó, tại địa bàn cơ sở đều có các lực lượng thanh tra xây dựng cho nên không thể nói họ muốn xây nhà không phép hoặc sai phép là có thể được. Trừ trường hợp người ta “đi tắt” thì lực lượng này mới làm ngơ, bỏ qua. Theo tôi, để làm nghiêm cần phải thực hiện việc bóc bỏ ngay từ đầu toàn bộ công trình vi phạm đối với những căn nhà xây dựng không phép. Đối với những căn nhà sai phép (có xin phép nhưng xây dựng sai so với giấy phép) cần phải xử lý nghiêm bằng cách cắt điện, nước… Qua đó có hình thức xử phạt nghiêm đối với các chủ công trình vi phạm để răn đe, giáo dục các trường hợp khác khi cố tình vi phạm".

Chính quyền “né” trả lời báo chí

Để tìm hiểu và làm rõ những sai phạm tại 6 công trình (thuộc phường Bùi Thị Xuân), PV Người đưa tin đến đặt lịch làm việc tại trụ sở UBND phường. Tuy nhiên, nhân viên phòng một cửa yêu cầu ghi lại nội dung rồi hẹn… Nhưng đến nay đã hơn một tuần trôi qua, chúng tôi vẫn không nhận được thông tin về lịch làm việc từ phía UBND phường Bùi Thị Xuân

Hoàng Anh
theo Người Đưa Tin

Từ khóa: