Vạn Trường Phát đã có 5 đợt phát hành trái phiếu với tổng giá trị 10.000 tỷ đồng. Trong 4 đợt phát hành đầu tiên, số tiền huy động đã được doanh nghiệp sử dụng để thanh toán tiền đặt cọc để nhận chuyển nhượng một phần dự án KĐT Việt Phát tại Long An.
Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa công bố kết quả đợt phát hành trái phiếu của CTCP Đầu tư và Xây dựng Vạn Trường Phát hoàn tất vào ngày 10/2. Theo đó, Vạn Trường Phát đã phát hành 2.000 tỷ đồng trái phiếu với kỳ hạn 5 năm, đáo hạn vào 17/11/2026.
Trước đó, trong tháng 6 đến tháng 10/2021, doanh nghiệp này đã huy động 4 lô trái phiếu với tổng giá trị 8.000 tỷ đồng, thời hạn 5 năm, đáo hạn vào năm 2026. Như vậy, lũy kế đến nay, doanh nghiệp đã phát hành 10.000 tỷ đồng trái phiếu.
Đối với 4 đợt phát hành trước đó, Vạn Trường Phát đều thế chấp bất động sản liên quan và phát sinh từ khu đất 78 ha thuộc dự án Việt Phát tại xã Tân Lập, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An.
Doanh nghiệp cũng cho hay, số tiền thu được từ đợt phát hành trái phiếu này sẽ được doanh nghiệp dùng để thanh toán tiền đặt cọc để nhận chuyển nhượng một phần dự án KĐT Việt Phát.
Tổ hợp KCN và đô thị Việt Phát có tổng diện tích khoảng 1.800 ha, tại xã Tân Lập, huyện Thủ Thừa, Long An.
Dự án được khởi công vào ngày 17/5/2020, do CTCP Đầu tư Tân Thành Long An Tân Thành Long An và Công ty TNHH Quản lý Khu công nghiệp Sáng Tạo Việt Nam làm chủ đầu tư. Tổ hợp này bao gồm hai phần là KCN Việt Phát (1.200 ha) và KĐT Việt Phát (625 ha).
Tổ hợp dự án này lần đầu được UBND tỉnh Long An đồng ý về chủ trương đầu tư vào năm 2005. Dự án không đảm bảo về tiến độ, vchứng nhận đầu tư được điều chỉnh thay đổi nhiều lần. Tháng 1 đầu năm 2021, Chủ tịch UBND tỉnh Long An đã yêu cầu các cơ quan liên quan thanh tra toàn diện dự án.
Được biết CTCP Đầu tư và Xây dựng Vạn Trường Phát được thành lập tháng 6/2019 với tên gọi ban đầu là CTCP Star Zone, đặt trụ sở tại tầng 2, toà nhà CT Office Building, 56 Yên Thế, phường 2, quận Tân Bình, TP.HCM.
Tại thời điểm thành lập, doanh nghiệp có vốn điều lệ 320 tỷ đồng với ba cổ đông sáng lập gồm ông Vương Tuấn Minh (nắm 15%), bà Huỳnh Bảo Vy (nắm 30%) và bà Nguyễn Kiều Lệ (nắm 55%). Ngày 28/5/2021, Vạn Trường Phát đã thực hiện tăng vốn điều lệ lên thành 2.000 tỷ đồng.
Hiện nay, Tổng Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật của Vạn Trường Phát là bà Nguyễn Kiều Lệ. Theo đăng ký kinh doanh, ngành nghề chính của doanh nghiệp là xây dựng nhà ở, kinh doanh bất động sản, quản lý, tư vấn bất động sản.
Theo thông tin, cả 3 cá nhân này đều có liên hệ mật thiết đến một tập đoàn địa ốc lớn ở khu vực phía nam, trực tiếp đứng tên tại nhiều thành viên trong tập đoàn này.
Trong đó, bà Nguyễn Kiều Lệ trước khi thành lập Vạn Trường Phát, có nhiều năm làm CEO rồi Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Phiên An, có trụ sở tại 193 - 203 Trần Hưng Đạo, Quận 1, TP.HCM.
Bà Huỳnh Bảo Vy trước đây là Tổng giám đốc CTCP Sài Gòn Wellreal (nay là CTCP Worldwide Capital), nay là Tổng giám đốc CTCP River Delta, còn ông Vương Tuấn Minh có nhiều năm là Giám đốc CTCP Đầu tư Phú Khang Thịnh, và giữa năm 2019 đến nay đảm trách vai trò CEO CTCP Hiệp Phúc.
Theo thống kê của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu trong Quý 1/2022, có tổng cộng 48 đợt phát hành riêng lẻ với tổng giá trị khoảng 30.998 tỷ đồng. Trong đó, nhóm bất động sản hiện dẫn đầu về giá trị phát hành với tổng khối lượng phát hành đạt 17.211 tỷ đồng, chiếm 43,36% tổng giá trị phát hành.
Theo Bộ Xây dựng, việc nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản chuyển sang thực hiện huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu, lượng phát hành với quy mô lớn, lãi suất cao sẽ tiềm ẩn rủi ro cho thị trường.
Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp có lượng phát hành trái phiếu lớn gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu, có trường hợp gấp 40 lần vốn chủ sở hữu. Kỳ hạn phát hành ngắn (từ 3 – 5 năm) đặc biệt là đối với doanh nghiệp bất động sản huy động để triển khai dự án (thời gian triển khai dự án thường dài hơn, trên 5 năm). Tài sản đảm bảo là các bất động sản, dự án trong khi công tác định giá tài sản đảm bảo có thể không sát với giá thực tế (định giá cao hơn giá trị thực).
Trên thực tế, thị trường bất động sản đã trải qua năm 2021 và những tháng đầu năm 2022 với những thông tin nóng khi hàng loạt các doanh nghiệp trong lĩnh vực ngân hàng chứng khoán đua nhau phát hành trái phiếu để huy động vốn cho doanh nghiệp.
Theo đánh giá của các chuyên gia, một số doanh nghiệp có năng lực tài chính không tốt; dòng tiền, phương án kinh doanh không khả thi. Dù số lượng doanh nghiệp như thế không nhiều, nhưng có thể khiến thị trường trái phiếu bị vạ lây và ảnh hưởng tới kênh dẫn vốn của nền kinh tế.
Mặt khác, theo quy định hiện hành, khi doanh nghiệp phát hành trái phiếu, thủ tục rất chặt chẽ và phải được UBCKNN thẩm định, cho phép. Dòng tiền từ nguồn này được quản lý đúng mục đích sử dụng. Nhưng với trái phiếu riêng lẻ, doanh nghiệp có thể phát hành thoải mái hơn mà không bị ràng buộc bởi các quy định trên.
Đề xuất giải pháp bình ổn, lành mạnh hóa thị trường, Bộ Xây dựng kiến nghị cần nghiên cứu sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.
Theo dõi sát diễn biến thị trường phát hành trái phiếu doanh nghiệp lĩnh vực bất động sản nhằm kịp thời kiểm soát, điều chỉnh chính sách để thị trường bất động sản phát triển một cách ổn định và lành mạnh, góp phần vào ổn định chung cho cả nền kinh tế.
Huy Đức/KTDU