Dù không còn là bản vị, song vàng vẫn luôn ngự trị trong nền kinh tế và trong cả tâm thức người dân. Khi lạm phát, đồng tiền mất giá, không chỉ người dân, các nhà đầu tư mà cả chính phủ cũng mua vàng dự trữ và đó là lý do vàng luôn ở ngôi vị số một.
Dù không còn là bản vị, song vàng vẫn luôn ngự trị trong nền kinh tế và trong cả tâm thức người dân. Khi lạm phát, đồng tiền mất giá, không chỉ người dân, các nhà đầu tư mà cả chính phủ cũng mua vàng dự trữ và đó là lý do vàng luôn ở ngôi vị số một.
Vàng luôn ngự trị trong đời sống người dân và nền kinh tế. Ảnh: Đại Dương.
Con ơi, nhớ giữ vàng!
“Ngày tôi bước ra đời đi làm ăn, mẹ tôi dặn: Con ơi, làm gì cũng cố để dành ít vàng làm vốn và phòng thân!” - Tiến sĩ Phạm Đỗ Chí - Cựu chuyên gia kinh tế của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), kể trong một dịp gần đây. Sau 30 năm hoạt động trong lĩnh vực kinh tế tài chính ở nhiều nơi trên thế giới, dù tích hợp nhiều kiến thức từ sách vở lẫn thực tiễn cuộc sống nhưng, “Rút cục tôi cũng “chịu” ý của mẹ tôi, dù bà mới chỉ học lớp 4. Giờ mẹ tôi đã mất, nhưng tôi không bao giờ quên lời dặn đó”- vị chuyên gia kinh tế tài chính tâm sự.
Không hiểu do thấm thía lời mẹ dặn hay do kinh nghiệm và sự thông hiểu của một người có nhiều trải nghiệm trong lĩnh vực này mà ông Chí nhất mực cho rằng “Nhà nước chớ đụng đến vàng của dân” với hàm ý là Nhà nước không nên đứng ra huy động vàng trong dân để kinh doanh, kể cả Mỹ cũng đứng ngoài thị trường phức tạp này.
Cũng theo ông Chí, nếu cần thiết để chống vàng hóa nền kinh tế, nâng cao sự ổn định và vị thế cho đồng tiền Việt Nam, chỉ nên ra các quy định hạn chế dùng vàng làm phương tiện thanh toán, như Ngân hàng Nhà nước đã từng làm rất tốt với việc ổn định ngoại tệ, chống đôla hoá trên thị trường thời gian vừa qua.
Ý kiến của vị chuyên gia này trái chiều với xu hướng hoặc chí ít là khi Ngân hàng Nhà nước đang rục rịch với ý định huy động vàng trong dân để quản, nhưng không phải không có lý. Theo ông, việc người dân giữ vàng là một thói quen, tập tục, và trên cả là một nét văn hóa Việt, không lẫn với các hoặc nhiều dân tộc khác.
“Từ ngàn xưa, trước khi có Ngân hàng Nhà nước như bây giờ, các cụ cố, cụ tổ nhà ta đã giữ vàng trong bị, từ bà bán cá ngoài chợ đến những địa chủ, quan lại giàu có đều làm thế. Lúc đầu thì vài ba lạng, sau khá lên thì giữ cả trăm lạng, thậm chí nghìn lạng”- vị chuyên gia nói.
Ông Lương Văn Tự - nguyên Trưởng Đoàn đám phán Việt Nam gia nhập WTO cho rằng việc giữ vàng là con đường khó tránh khỏi. Ông kể, từ năm 2007, các chuyên gia dự báo kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng chậm lại và rơi vào một cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu.
Năm 2008, dự báo này trở thành sự thật. Lo ngại đồng đô la Mỹ mất giá, dự trữ ngoại tệ không an toàn, lạm phát nhanh, đồng tiền mất giá… các nhà đầu tư, dân và cả chính phủ đều mua vàng dự trữ. Ông Tự ngâm ngợi mấy câu thơ do mình sáng tác:
Ngày xưa bản vị là vàng
Ngày nay tiền tệ đàng hoàng lên thay
Bây giờ tiền tệ lung lay
Những người lo ngại lại quay về vàng
Rồi ông bảo: “Mấy câu thơ dự báo của tôi làm từ bốn, năm năm trước nhưng giờ vẫn nguyên giá trị”.
…và giữ lửa niềm tin
Nhiều người ước tính số lượng vàng trong dân hiện khoảng 400 tấn. Song theo ông Chí, còn hơn thế rất nhiều, khoảng 1.000 tấn, bởi vàng được tích trữ từ đời này sang đời khác và còn đến bây giờ chứ không chỉ hình thành trong thời gian hiện tại hay gần đây. Với 1.000 tấn vàng, tương đương 50- 60 tỷ USD, và bằng ½ GDP của Việt Nam.
“Đây là sức mạnh đang cứu nền kinh tế Việt Nam”- ông nói, đồng thời phân tích, trong khi làm ăn khó khăn, kinh doanh phá sản và nền kinh tế suy sụp nhưng mức chi tiêu của dân chúng vẫn còn giữ được là nhờ có số vàng họ tích trữ và lượng vàng ấy tăng rất mạnh theo thời gian.
“Dân khôn lắm, họ rất biết cách giữ và sử dụng vàng ra sao”- vị chuyên gia IMF bình. Cho nên, theo ông, thay vì tìm cách gom hay giữ vàng của dân, Nhà nước nên và chỉ nên bàn tính cách kiểm soát, điều tiết tốt hơn để cho thị trường vàng trở nên trật tự, ổn định... và như thế là đủ.
“Hãy tôn trọng quyền của dân và để dân tiếp tục giữ vàng. Và Chính phủ cũng cần học dân để giữ một số lượng vàng nhất định trong dự trữ ngoại hối quốc gia”- ông Chí nói.
Mặc dù vậy, ông Chí cũng cho rằng, huy động vàng trong dân cũng là ý tưởng không tồi, nhưng vấn đề nằm ở chỗ làm thế nào để bảo đảm được an toàn lượng tài sản khổng lồ ấy của dân, của nước?
Ông Chí lo ngại về hiệu quả của việc huy động và sử dụng vàng huy động trong dân bằng việc dẫn ví dụ về sự lao đao mới đây của vài ba cá nhân lãnh đạo ngân hàng trong việc bán khống một số vàng lớn ở mức 1.550-1570 USD/ ounce đã đem đến món nợ khổng lồ cho họ, các ngân hàng của họ...
Theo ông, chừng đó cũng đủ là một bài học lớn cho cả hệ thống ngân hàng Việt Nam trong việc quản lý thị trường vàng tương lai.
“Phải suy nghĩ rất kỹ chứ đừng ào ạt huy động vàng trong dân, để rồi một ngày nào đó hối tiếc là chúng ta đã mất hết số vàng dự trữ trong dân (xét cho cùng cũng là của quốc gia) bởi Nhà nước không thể quản được”- ông khuyên. Và, theo ông, việc Nhà nước huy động vàng của dân trong điều kiện chưa có cơ sở, điều kiện để đảm bảo phát huy được nguồn lực này sẽ đồng nghĩa với rủi ro cho dân và cho ngân sách quốc gia là rất lớn. “Mất thanh khoản vàng sẽ nguy hiểm hơn rất nhiều so với mất thanh khoản tiền đồng”- ông Chí cảnh báo.
Muốn để người dân mở hầu bao đưa vàng ra thị trường, việc đầu tiên và cũng là tiên quyết nhất, theo các chuyên gia, là Chính phủ phải thắp và giữ được ngọn lửa niềm tin trong lòng dân chúng.
“Ông WTO” Lương Văn Tự xác định vàng trong dân là nguồn vốn rất lớn, và để huy động được nguồn vốn này, trước hết phải ổn định kinh tế vĩ mô duy trì lạm phát năm 2013 và các năm sau ở mức một con số như năm 2012.
“Xây dựng lòng tin của người dân vào đồng tiền Việt Nam, nói cách khác là giữ giá trị đồng tiền để dân không lấy vàng là nơi trú ẩn”- ông Tự nói.
Thực tế đã chứng minh, trong những năm kinh tế ổn định, lạm phát hợp lý, đồng tiền ổn định thì thói quen mua bán bất động sản bằng vàng đã chuyển sang mua bán bằng tiền.
Khi niềm tin trong dân chúng chưa được thắp lên, thì việc “vàng từ trong gầm giường bò ra” là điều khó hình dung.
Bản vị vàng: Chiếc neo lạm phát thời xa vắng
Nói chuyện với sinh viên Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh, tác giả của cuốn sách “The Dollar Crisis: Causes, Consequences, Cures” - Tiến sĩ Richard Duncan cho rằng nguyên nhân chính gây ra khủng hoảng kinh tế thế giới hiện nay là các quốc gia đã mất kiểm soát khi in tiền giấy và từ bỏ chế độ bản vị vàng.
Chế độ bản vị vàng là liều thuốc đề kháng được sự bành trướng tín dụng và nợ nần.
|
Đại Dương
theo Tiền phong