Sau 2 lần nhảy xe buýt từ thành phố Kota Kinabalu - thủ phủ bang Sabah (Malaysia), chúng tôi tới Monsopiad – ngôi làng của tộc người Kadazan. Đây là làng văn hóa duy nhất ở Sabah được xây dựng để tưởng nhớ thủ lĩnh của các chiến binh săn đầu người huyền thoại Monsopiad. Ngôi làng nằm bên bờ sông Penampang này cũng thanh bình, yên ả với đồng lúa, bãi cỏ, những nếp nhà đơn sơ, như mọi làng quê khác, nhưng cái tên gắn với thủ lĩnh săn đầu người khét tiếng cách đây cả ba thế kỷ vẫn khiến chúng tôi cứ lấm lét, bước chân dè dặt.
Giữa trưa nắng, con đường chính dẫn tới cổng làng vắng tanh. Cánh cổng rộng dựng bằng tre gỗ, lợp lá cọ dưới bóng cây xanh mát dẫn chúng tôi bước vào thế giới của người Kadazan, ngược thời gian trở về thời huy hoàng của thủ lĩnh săn đầu người Monsopiad.
Dãy đầu lâu chiến lợi phẩm của thủ lĩnh Monsopiad treo trên xà nhà
300 năm trước, ngôi làng này có tên Kuai, là nơi Monsopiad sinh ra và lớn lên. Ngày ấy, ngôi làng nhỏ bé do ông ngoại của Monsopiad là tộc trưởng, thường bị cướp bóc. Vì không có nhiều chiến binh, nên dân làng chỉ biết chạy trốn mỗi khi bọn cướp tràn tới. Nhưng Monsopiad không nghĩ thế. Được nuôi dạy để trở thành chiến binh và được chim thần Bugang ban cho sức mạnh, Monsopiad đã thề sẽ săn đuổi, chặt đầu kẻ thù đem về treo trên mái nhà làm chiến lợi phẩm. Rồi chàng trai trẻ dũng mãnh Monsopiad đã chiến thắng trở về, được dân làng chào đón như một người anh hùng.
Nhiều năm sau, danh tiếng của Monsopiad vẫn khiến kẻ thù khiếp sợ, không dám tới cướp phá làng Kuai. Nhưng cơn khát máu của Monsopiad không dừng lại, ông thường xuyên kích động những người đàn ông khác đánh nhau với mình để có cớ giết và chặt đầu họ. Cơn khát máu ấy khiến dân làng sợ hãi và không còn cách nào khác, một nhóm chiến binh phải lên kế hoạch giết Monsopiad. Bị tấn công khi đang nằm nghỉ trong nhà, Monsopiad đã chống trả quyết liệt, nhưng vị thủ lĩnh ngày nào đã bị mất đi sức mạnh do chim thần Bugang ban cho. Dù vậy, dân làng vẫn yêu quý Monsopiad vì những gì ông đã làm cho họ và đã đổi tên làng thành Monsopiad.
Những hậu duệ thế hệ thứ sáu, thứ bảy của Monsopiad đã xây ngôi làng văn hóa này như một bảo tàng mở để tưởng nhớ vị thủ lĩnh danh tiếng một thời. Show diễn với những điệu múa truyền thống kể lại huyền thoại về vị thủ lĩnh Monsopiad, những căn nhà sàn làm bằng tranh tre, nứa lá như cách người Kadazan dựng nhà từ bao đời nay, một chiếc cầu treo lắc lư bắc ngang sông dẫn sang khu rừng rậm rạp làm những người mạo hiểm nhất cũng do dự..., tất cả sống động đến mức mọi người có cảm giác mình đang được sống giữa những chiến binh săn đầu người cách đây đã 300 năm. Du khách nước ngoài rất thích thú khi được tự tay cầm chày giã gạo, đẩy cối xay lúa, nếm thứ rượu gạo ngọt lịm nấu theo kiểu thủ công. Còn chúng tôi, vốn đã quen thuộc với những thứ này ở quê nhà, lại hào hứng với những ống thổi phi tiêu dài cả mét, tưởng tượng mình cũng là một chiến binh dũng mãnh xưa kia. Thế nhưng, giữa lúc vui vẻ ở những chỗ yên bình như thế, vẫn có cảm giác những chiến binh săn đầu người lẩn khuất đâu đây. Bất giác nhìn quanh, chợt hốt hoảng vì một cái đầu lâu bằng gỗ cắm trên miệng cót thóc ở góc nhà, mờ ảo trong ánh nắng xiên xiên qua vách nứa. Đang lúi húi nhặt lại cái phi tiêu, bỗng giật mình vì bức tượng chiến binh Kadazan cắm lông chim với đôi mắt dữ tợn khuất trong góc vườn um tùm cây cối đang nhìn mình chòng chọc.
Nhưng rùng rợn nhất là lúc bước chân vào căn phòng đầu lâu – nơi Monsopiad treo chiến lợi phẩm của mình. Vẫn biết chỉ là đồ trưng bày, chẳng có chiến binh nào nấp sau cánh cửa, nhưng bước chân vẫn ngập ngừng, tim vẫn đập thình thịch. Rồi cánh cửa tre cọt kẹt mở ra, tất cả đều ngửa mặt nhìn lên xà nhà và thấy một dãy... đầu lâu treo lủng lẳng, xen giữa những túm lá khô. Trong suốt cuộc đời mình, Monsopiad đã chặt đầu 42 kẻ thù đem về treo trên mái nhà như chiến lợi phẩm. Chẳng biết đó là đầu lâu thật hay mô hình bằng nhựa giống y như thật, nhưng vẫn cứ thấy lạnh sống lưng. Chắc chẳng ai đủ can đảm để đếm hết xem có đủ 42 cái đầu hay không.
Bước chân ra khỏi căn phòng, cánh cửa tre cọt kẹt đã khép lại sau lưng, vẫn thấy rờn rợn đầy ám ảnh. Thật may vì chúng tôi đến đây vào giữa trưa nắng. Nếu là lúc nhập nhoạng chiều tà, hẳn chẳng ai dám cả gan vào căn phòng này. Rời làng, yên vị trên chiếc xe buýt chuồng gà phóng bạt mạng quay trở về thành phố Kota Kinabalu, đôi lúc chúng tôi vẫn cứ lấm lét liếc lại sau lưng, tưởng như các chiến binh săn đầu người ba thế kỷ trước vẫn đang theo dõi mình.
Ngân Hà
Theo Lao dong