Cuối năm, nhiều ngân hàng quảng cáo chương trình cho vay tiêu dùng ưu đãi lãi suất, thủ tục dễ dàng, tuy nhiên, tìm hiểu thực tế điều kiện cho vay khá phức tạp, lãi suất "đắng nghét", lên tới 30%/năm.
Cuối năm, nhiều ngân hàng quảng cáo chương trình cho vay tiêu dùng ưu đãi lãi suất, thủ tục dễ dàng, tuy nhiên, tìm hiểu thực tế điều kiện cho vay khá phức tạp, lãi suất "đắng nghét", lên tới 30%/năm.
Ngặt nghèo
Một số ngân hàng có điều kiện vay nới lỏng thì lãi suất lại cao hơn và hạn mức cho vay cũng thấp hơn.
Có hai trường hợp cho vay tiêu dùng là vay bằng tín chấp và thế chấp. Tuy nhiên, đối tượng cho vay bị “khoanh vùng” và điều kiện cho vay cũng khá chặt chẽ.
Một nhân viên tín dụng Ngân hàng Techcombank cho biết, ngân hàng này áp dụng chương trình cho vay tiêu dùng đối với khách hàng có nhu cầu, điều kiện cho vay tín chấp là khách hàng phải có chứng minh thư, hộ khẩu, hợp đồng lao động, hộ khẩu thường trú, chứng minh lương 3 tháng gần nhất và có giấy xác nhận của cơ quan đang làm việc. Trong trường hợp không có hộ khẩu ở Hà Nội thì phải có khai báo tạm trú. Trường hợp vay thế chấp bằng tài sản thì cần thêm giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất, sổ đỏ chứng minh được tài sản đem thế chấp và giấy xác nhận tình trạng hôn nhân.
Theo nhân viên tín dụng của Ngân hàng Eximbank chi nhánh tại Hà Nội, đối với chương trình vay tiêu dùng theo hình thức tín chấp (vay theo bảng lương) thì điều kiện khá chặt chẽ và số tiền vay không được nhiều. Ngân hàng chỉ cho những khách hàng là nhân viên thuộc tổ chức nhà nước hoặc các ngành nghề đặc thù như giáo viên, bác sĩ, bộ đội chứ những khách hàng làm trong những công ty không thuộc diện ưu tiên cho vay thì sẽ không được vay.
Ngân hàng chỉ áp dụng đối với những khách hàng thuộc diện ưu tiên. Khách phải có nhà Hà Nội thì mới được vay còn nhà đi thuê thì không được vay theo hình thức này. Đặc biệt, đối với hình thức vay có tài sản thế chấp thì ngân hàng sẽ tùy thuộc vào mục đích và điều kiện trả nợ của khách hàng để cho vay. Tuy nhiên sẽ thẩm định giá trị tài sản đảm bảo khá chặt chẽ.
"Khi vay tiêu dùng mà khách hàng mua tài sản nào đó thì ngân hàng sẽ đến làm việc với nơi mà khách hàng mua hàng để thẩm định giá trị rồi giải ngân trực tiếp vào công ty mà khách hàng mua tài sản đó”, nhân viên tín dụng này cho biết thêm.
Tương tự tại Ngân hàng Á Châu, "chương trình cho vay tiêu dùng hình thức tín chấp áp dụng đối với trường hợp có hộ khẩu thường trú ở Hà Nội, yêu cầu có sử dụng điện thoại cố định hoặc thuê bao trả sau. Thu nhập chính hàng tháng trên 10 triệu đồng, kinh nghiệm làm việc 2 năm, thời gian công tác tại công ty đang làm là 12 tháng tính từ khi ký hợp đồng”.
Lãi suất cao ngất, trả sớm cũng phạt
Mặc dù khi vay tiêu dùng khách hàng đã phải chịu lãi suất cao hơn so với vay sản xuất kinh doanh và thời hạn vay ngắn hơn và gần như không có sự ưu đãi nào hơn so với các loại hình vay khác.
Thực tế, điều kiện cho vay tiêu dùng tại các ngân hàng không dễ và khi vay tiêu dùng thì khách hàng lại phải chịu mức lãi suất khá cao và nếu trả tiền chậm hoặc trước thời hạn thì khách hàng đều phải chịu phí.
Tại ngân hàng Techcombank thì nhân viên tín dụng tư vấn: lãi suất sẽ thay đổi tại thời điểm phê duyệt hoặc thời điểm giải ngân nhưng mức lãi suấy áp dụng thời điểm này là 24%/ năm. Lãi và gốc trả hàng tháng hoặc theo kỳ hạn nhưng nếu khách hàng đăng ký vay trung và dài hạn mà tất toán hợp đồng trước thời hạn thì sẽ phải trả phí trước hạn theo quy định của tổng giám đốc tùy vào từng thời kỳ và nếu tính thời điểm hiện nay là 3% trên số dư nợ còn lại. Còn khách hàng trả chậm thì cũng bị phạt theo lãi suất cơ bản của nhà nước là 150% cộng với biên độ lãi của ngân hàng.
“Lãi suất tính theo dư nợ thực tế phát sinh. Căn cứ vào nguồn tiền thu và nhu cầu của khách hàng. Nếu vay thế chấp bằng tài sản cố định hoặc vay tín chấp bằng thẻ lương thì ngân hàng đang áp dụng mức lãi suất là 15%/năm. Tuy nhiên, lãi suất thay đổi theo chu kỳ thay đổi của ngân hàng là 3 tháng 1 lần", nhân viên tín dụng của ngân hàng Eximbank cho hay.
Thậm chí tại Sacombank, lãi suất đối với vay tiêu dùng thế chấp bằng nhà đất, khách hàng sẽ phải trả lãi từ 2-2,5%/tháng, tính ra lãi suất phải trả lên tới 30%/năm.
Theo tìm hiểu tại ngân hàng Á Châu, lãi suất vay tiêu dùng hình thức tín chấp được áp dụng như sau: với khoản vay trên 100 triệu thì lãi suất áp dụng là 12%/năm. Từ 70-100 triệu thì áp dụng lãi suất 12,36%/năm. Từ 40-70 triệu thì lãi suất là 12,72%/năm còn dưới 40 triệu thì áp dụng mức 13,08%.
Và cũng giống như các ngân hàng khác, trường hợp khách hàng vay tiêu dùng có tài sản thế chấp thì ngân hàng sẽ hỗ trợ tối đa là 70% giá trị tài sản đảm bảo. Tuy nhiên, lãi suất vay có tài sản đảm bảo sẽ cao hơn lãi suất cho vay tiêu dùng tín chấp. Vay trung và dài hạn thì lãi suất sẽ là 16-17,5% năm còn ngắn hạn thì lãi suất giao động từ 14,8-17,2% năm.
Tại ngân hàng HSBC thì dù điều kiện cho vay có dễ dàng hơn: chỉ cần lương của khách hàng từ 8 triệu đồng trở lên và trả qua tài khoản của ngân hàng thì ngân hàng sẽ cho vay gấp 10 lần lương. Đối với những khoản vay trên 150 triệu trả cả lãi và gốc cuối kỳ thì lãi suất được tính là 24%/năm; còn dưới 150 triệu thì lãi suất tính là 25%/năm. Còn nếu khách hàng trả dần gốc và lãi đến khi đáo hạn thì lãi suất tương ứng với 14,7%/năm..
Nhân viên tín dụng của ngân hàng này lưu ý người vay trong trường hợp khách hàng trả tiền chậm theo hợp đồng thì ngân hàng sẽ tính lãi trả chậm. Trong trường hợp khách hàng tiền trả trước thời hạn thì ngân hàng cũng sẽ thu phí trước hạn là 0,25% dư nợ còn lại nhân với số tháng thanh lý trước hạn.
Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam ngày 3/12, ông Tareq Muhmood, Tổng giám đốc Ngân hàng ANZ tại Việt Nam đã chia sẻ "theo con số thống kê, nợ xấu của các ngân hàng khá cao, phía ngân hàng đưa ra con số 4,3%; thống đốc ngân hàng nhà nước đưa ra con số 8,8% còn theo các con số đồn đoán thì con số nợ xấu của các ngân hàng có thể gấp đôi con số mà thống đốc ngân hàng nhà nước công bố". Vì vậy, để đảm bảo an toàn vốn, tránh rủi ro thì việc các ngân hàng "thắt chặt" cho vay ra cũng là điều dễ hiểu.
Theo Infonet