Theo TPS, kết quả kinh doanh của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (HOSE: VCB) tăng trưởng ấn tượng. Trong đó, lợi nhuận sau thuế quý 4/2022 đạt 7,854 tỷ đồng, tăng 21.6% so với cùng kỳ và cả năm 2022 đạt 27,832 tỷ đồng, tăng 26.9%so với cùng kỳ.
Trong báo cáo phân tích mới được cập nhật đối với Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB), Chứng khoán Tiên Phong (TPS) cho biết, lợi nhuận công ty mẹ riêng lẻ tăng 39% so với cùng kỳ.
Theo báo cáo doanh nghiệp, kết quả sơ bộ đạt được nhờ vào (1) tăng trưởng tín dụng 2022 cao +19% so với cùng kỳ (so với mức năm 2021 là 15%), động lực tín dụng đến cả từ nhóm bán buôn +18.5% so với cùng kỳ và nhóm bán lẻ +19.5% so với cùng kỳ (2) NIM cải thiện tăng nhẹ đến từ việc gia tăng tỷ trọng CASA và gia tăng tỷ lệ tỷ trọng khách hàng bán lẻ (3) Thu nhập ngoài lãi tăng 9.2% so với cùng kỳ. Trong đó, thu thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại tệ tăng 31.7% so với cùng kỳ (4) tỷ lệ nợ xấu kiểm soát hiệu quả dưới 1%, năm 2022 là 0.67% và tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt 465% - tỷ lệ cao nhất hệ thống và trong những năm gần đây.
Kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận năm 2023 tối thiểu 12% so với cùng kỳ: Lợi nhuận trước thuế 2023 tăng trưởng tối thiểu 12%, tăng trưởng tín dụng 12.8%, tổng tài sản tăng trưởng 9%. Tỷ lệ nợ xấu dưới 1.5%.
Quan điểm đầu tư được TPS đưa ra: VCB là được đánh giá ngân hàng an toàn hiệu quả. Với mức dự báo tăng trưởng tín dụng toàn ngành năm 2023 sẽ thấp hơn so năm 2022, VCB là ngân hàng có lợi thế cạnh trạnh về quy mô (thuộc nhóm “big 4”) cũng hiệu quả quản lý cao hơn sẽ giúp VCB gia tăng thị phần.
Với tỷ trọng tín dụng bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp thấp, VCB được đánh giá đạt mức an toàn hoạt động hơn so với các doanh nghiệp khác trước những biến động bất lợi trên diễn biến của thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp.
Trong năm 2023, TPS cho rằng VCB dự kiến sẽ tăng trưởng tín dụng cao hơn ngành nhờ vào VCB nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém, NIM sẽ kì vọng sẽ bị giảm ít hơn so với các ngân hàng khác với tỷ lệ cho vay khách hàng có xu hướng gia tăng và duy trì tỷ lệ CASA cao (thuộc top 4 trong ngành) giúp duy trì NIM, tiếp tục gia tăng thế mạnh thu nhập ngoài lãi như hoạt động thanh toán và ngoại hối, đồng thời nợ xấu tiếp tục kiểm soát hiệu quả.
Định giá: Theo ước tính của TPS, P/B fw 2023 của VCB là 2.5x, so với định giá trung bình lịch sử 5 năm là 3.6x.
Rủi ro được TPS đưa ra: Lãi suất tăng mạnh hơn làm gia tăng chi phí vốn, nợ xấu cao tăng, triển vọng kinh tế khó khăn hơn tăng trưởng tín dụng thấp hơn.
Nhật Minh
Theo KTĐU