Sự kiện hot
10 năm trước

VCCI ra mắt báo cáo về “Tiềm năng kinh tế số tại Việt Nam"

Ngày 9/6, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Trung tâm nghiên cứu dự án công nghệ (TRPC) tổ chức Diễn đàn và ra mắt Báo cáo “Tiềm năng kinh tế số tại Việt Nam - Bài học từ các nước Châu Á”.


Hình minh họa. (Nguồn: blog.paycorp.co.za)

Đây là hoạt động trong khuôn khổ Dự án “Chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp, làng nghề ứng dụng thương mại điện tử đẩy mạnh bán hàng và xuất khẩu sản phẩm” do VCCI thực hiện.

Báo cáo của VCCI cho hay, hiện nay có khoảng 40% dân số toàn cầu sử dụng internet mỗi ngày. Từ năm 2010 đến nay, Việt Nam liên tục đứng trong tốp 20 quốc gia có số người dùng internet lớn nhất thế giới với tỷ lệ hơn 30% dân số.

Dự kiến vào năm 2020, Việt Nam sẽ có từ 45-50% dân số sử dụng internet. Công nghệ mới, bao gồm internet giúp con người nâng cao tri thức với nguồn dữ liệu mở, dồi dào, đồng thời tạo thêm nhiều việc làm.

Theo ông Nguyễn Quang Vinh, Ban thường trực VCCI, mỗi công việc liên quan đến công nghệ sẽ tạo ra từ 5-7 công việc liên quan đi kèm; tăng trưởng 20% trong đầu tư Công nghệ thông tin và Truyền thông sẽ làm tăng 1% GDP quốc gia.

Tuy nhiên, qua khảo sát về các chỉ số kết nối, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số thì Việt Nam lại gần như đứng cuối trong việc chuyển đổi kinh tế số (45/50 nước được khảo sát).

Thông tin từ TRPC cũng cho rằng, nền kinh tế số là nền kinh tế tri thức trong đó con người có kỹ năng cần thiết để thiết kế, sáng tạo, sản xuất và cung ứng hàng hóa và dịch vụ kỹ thuật số cho cộng đồng. Học trực tuyến là một trong những con đường trực tiếp dẫn đến sự chuyển đổi số hóa này.

Ở Việt Nam, học trực tuyến mới chỉ bắt đầu phát triển, từ năm 2013 đến nay, có 3-5 triệu người Việt Nam tham gia học trực tuyến với trị giá khoảng 50 triệu USD, tăng trưởng hơn 40%/năm. Trong khi đó, thị trường học trực tuyến toàn cầu trị giá 30 tỷ USD và đã rất phát triển tại các nước Nhật Bản, Hàn Quốc.

Theo ông John Ure, Giám đốc TRPC, Việt Nam có nhiều khả năng để chuyển đổi thành nền kinh tế và xã hội số hóa hoàn toàn như các quốc gia Nhật Bản, Hàn Quốc… Đương nhiên, để đạt được điều đó, Việt Nam ngoài chuyện cần có một cơ sở hạ tầng để truy cập internet thì đào tạo con người và có một cơ chế thông thoáng để phát triển cũng rất quan trọng.

Việt Nam cũng cần xây dựng một hệ sinh thái số hóa trong nước, bao gồm thiết lập các ngành phụ trợ như phân phối hay các kỹ năng thiết kế và vận hành. Đồng thời, tham vấn và thu hút sự tham gia của ngành hiểu được tác động đa ngành của Internet.

Chẳng hạn trong các lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ y tế và giáo dục cần hợp tác trực tiếp với ngành theo cách hỗ trợ và cung cấp thông tin tốt hơn cho quá trình hoạch định chính sách quốc gia để củng cố một hướng tiếp cận tổng thể ngầm tạo ra một xã hội số. Tiếp theo là khuyến khích việc áp dụng rộng rãi chuẩn của ngành, về khả năng vận hành lẫn nhau, an toàn và bảo mật cũng như quy tắc ứng xử về an sinh xã hội.

Đức Dũng
theo Vietnam+

Từ khóa: