Đơn vị phân tích VDSC nhận định, DPM có thể đạt 14.373 tỷ đồng doanh thu (giảm 25,9% so với cùng kỳ năm trước) và 3.028 tỷ đồng trong lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ (giảm 40,6%). Mức lợi nhuận giảm mạnh chủ yếu đến từ việc giá phân bón ure giảm và ảnh hưởng lên biên lợi nhuận gộp của công ty.
CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) mới đây đã đưa ra báo cáo dự báo lợi nhuận năm 2023 của Đạm Phú Mỹ đạt 3.028 tỷ đồng, tương ứng giảm hơn 40% so với năm 2022 vừa qua.
Tổng công ty Phân bón và hóa chất dầu khí (HoSE: DPM) công bố doanh thu sơ bộ năm 2022 đạt 19.400 tỷ đồng (tăng 51,8% so với cùng kỳ năm 2021) và lợi nhuận trước thuế đạt 6.400 tỷ đồng (tăng 69,1%) do giá ure thế giới tăng cao.
Ước tính giá bán ure trung bình cả năm của doanh nghiệp đạt 15.200 đồng/kg, tăng 44% so với cùng kỳ năm 2021. Biên gộp ure của DPM trong năm 2022 đạt mức 54,6% so với mức 46,7% cùng kỳ.
Bước sang năm 2023, giá ure có xu hướng hạ nhiệt khi giá thành sản xuất giảm và nguồn cung trên thế giới gia tăng. Giá ure trong năm 2023 được dự báo quanh mức 400 USD/tấn – 500 USD/tấn so với mức đỉnh hơn 1.000 USD/tấn trong năm 2022.
Thời điểm hiện tại, do xung đột Nga – Ukraine dẫn đến giá khí đốt tại châu Âu đã tăng chóng mặt kể từ năm 2021. Tuy nhiên, giá khí đốt đã hạ nhiệt do nhu cầu đang được đáp ứng một phần từ việc nhập khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng từ châu Âu. Fitch Ratings dự báo giá khí tự nhiên sẽ vào khoảng 40 USD/MMBTU vào năm 2023, thấp hơn mức cao lịch sử 94 USD/MMBTU vào tháng 8/2022.
Năm 2022, Nga và Trung Quốc đều áp dụng hạn ngạch xuất khẩu phân bón khiến nguồn cung khan hiếm. Tuy nhiên, các chuyên gia VDSC cho rằng có một số tín hiệu cho thấy hai quốc gia này sẽ dỡ bỏ những biện pháp hạn chế xuất khẩu của mình. Nga đã cung cấp một hạn ngạch cao hơn cho xuất khẩu các sản phẩm phân bón trong 5T2023 so với cùng kỳ trong khi Trung Quốc đã đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu phân bón vào những tháng cuối của 2022.
Đơn vị phân tích VDSC nhận định, DPM có thể đạt 14.373 tỷ đồng doanh thu (giảm 25,9% so với cùng kỳ năm trước) và 3.028 tỷ đồng trong lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ (giảm 40,6%). Mức lợi nhuận giảm mạnh chủ yếu đến từ việc giá phân bón ure giảm và ảnh hưởng lên biên lợi nhuận gộp của công ty.
Dù vậy, các chuyên gia VDSC cho rằng DPM được đánh giá cao nhờ khả năng chi trả cổ tức tiền mặt của mình. Tại ĐHĐCĐ diễn vào cuối tháng 12 vừa qua, DPM đã thông qua mức chi trả cổ tức bằng tiền mặt với 7.000 đồng/cp cho năm 2022. Tổng số tiền chi cổ tức là gần 2.800 tỷ đồng.
Hà Quyên
Theo KTDU