Sự kiện hot
khoảng 1 năm trước

VDSC: Nỗi lo suy thoái che mờ triển vọng xuất khẩu nửa cuối 2022

Theo VDSC, nỗi lo suy thoái đang lớn dần đang là bóng đen phủ lên triển vọng xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường khác. Với kịch bản cơ sở là suy thoái chưa diễn ra trong năm 2022, VDSC kỳ vọng xuất khẩu Việt Nam vẫn duy trì được đà tăng trưởng dù có chậm lại trong nửa cuối năm.

Tăng trưởng xuất khẩu chững lại trong tháng 5/2022

Trong báo cáo mới cập nhật về chủ đề kinh tế Việt Nam, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, kim ngạch xuất khẩu tháng 5 giảm mạnh so với tháng trước nhưng vẫn tăng cao so với cùng kỳ. Cụ thể, xuất khẩu của Việt Nam đạt 30,9 tỷ USD trong tháng 5/2022, giảm 7,2% so với tháng 4 và tăng 18,1% so với cùng kỳ. Trong đó, khu vực FDI và trong nước ghi nhận mức tăng trưởng lần lượt 19,0% và 13,0% so với cùng kỳ.

Nguồn: Báo cáo VDSC

Nguồn: Báo cáo VDSC

Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu vẫn duy trì ở mức cao, xấp xỉ 32,6 tỷ USD, tăng 0,5% so với tháng trước và tăng 14,3% so với cùng kỳ. Nhập khẩu của khu vực trong nước tăng cao hơn so với khu vực FDI, lần lượt là 16,5% và 13,0% so với cùng kỳ.

Tính chung 5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt lần lượt 153,3 tỷ USD và 152,9 tỷ USD, tăng lần lượt 16,7% và 15,3% so với cùng kỳ. Thặng dư thương mại thu hẹp so với tháng trước, chỉ còn 632 triệu USD lũy kế 5 tháng.

Theo VDSC, số liệu Tổng cục Hải quan nửa đầu tháng 6 cho thấy dấu hiệu tiếp tục suy giảm trong tăng trưởng thương mại. Cụ thể, so với nửa cuối tháng 5, xuất khẩu giảm 16,1% và nhập khẩu giảm 3,7%. Cán cân thương mại chuyển từ thặng dư sang thâm hụt 1,3 tỷ USD tính từ đầu năm đến hết ngày 15/6/2022.

Nỗi lo suy thoái kinh tế che mờ triển vọng xuất khẩu nửa cuối 2022

Cũng theo VDSC, so với tháng trước, các mặt hàng xuất khẩu có sự sụt giảm trong tăng trưởng có thể kể đến là hàng điện tử (-12,8%), sắt thép (-13,7%), gỗ (-13,4%), thủy sản (-6,0%) và rau quả (-21,0%). Ngược lại, động lực tăng trưởng còn duy trì ở số ít mặt hàng như gạo (+25,8%), túi xách (+6,3%) và dệt may (+0,6%).

Tính chung 5 tháng đầu năm, đà tăng của một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh từ đầu năm đến nay đã bắt đầu chững lại như thủy sản (+43,7% trong 5T2022 sv. +46,8% trong 4T2022), phân bón (+170,0% trong 5T2022 sv. +175,4% trong 4T2022), sắt thép (+19,1% trong 5T2022 sv. +22,6% trong 4T2022). Hai mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam và hàng điện tử và dệt may vẫn ghi nhận mức tăng cải thiện so với cùng kỳ, lần lượt là 16,5% và 22,2%.  

Nguồn: Báo cáo VDSC

Nguồn: Báo cáo VDSC

Theo thị trường xuất khẩu, xuất khẩu sang Hoa Kỳ, ASEAN và Nhật Bản vẫn tích cực với mức tăng trưởng cải thiện so với tháng trước. Tính chung 5 tháng đầu năm, xuất khẩu sang các thị trường này lần lượt tăng 22,5%, 25,1% và 12,8%. Xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi chính sách phong tỏa kéo dài trong tháng 5, khiến cho xuất khẩu sang thị trường này trong 5 tháng chỉ tăng 8,3%, thấp hơn mức tăng 9,9% của 4 tháng.

Tuy nhiên, VDSC kỳ vọng việc nới lỏng các biện pháp phong tỏa tại các thành phố lớn của Trung Quốc từ đầu tháng 6 có thể giúp xuất khẩu sang thị trường này cải thiện. Trái lại, nỗi lo suy thoái đang lớn dần đang là bóng đen phủ lên triển vọng xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường khác.

“Với kịch bản cơ sở là suy thoái chưa diễn ra trong năm 2022, chúng tôi kỳ vọng xuất khẩu Việt Nam vẫn duy trì được đà tăng trưởng dù có chậm lại trong nửa cuối năm. Tuy nhiên, rủi ro là nhập khẩu vẫn duy trì ở mức cao do giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, điều này sẽ tiếp tục là bất lợi đối với cán cân thanh toán và làm gia tăng áp lực lên việc điều hành tỷ giá của NHNN”, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết.

Nguồn: Báo cáo VDSC

Nguồn: Báo cáo VDSC

Nhập khẩu duy trì đà tăng trong tháng 5/2022

Báo cáo của VDSC cũng chỉ ra, nhập khẩu trong tháng 5 chứng kiến sự gia tăng mạnh trong nhập khẩu của mặt hàng ngô và thức ăn gia súc, với mức tăng lần lượt là 121,4% và 53,7% so với cùng kỳ.

Tính riêng tháng 5, Việt Nam nhập khẩu hơn 1 triệu tấn ngô, tăng 112,2% so với tháng trước, dù vậy, lũy kế 5 tháng nhập khẩu mặt hàng này vẫn giảm 19,3% so với cùng kỳ.

Nhập khẩu nguyên phụ liệu cho ngành dệt may, da giày tiếp tục tăng trưởng, tương đồng với diễn biến tăng trưởng xuất khẩu vẫn duy trì ở nhóm này. Mặc dù các doanh nghiệp dệt may đều cho biết đã có đơn hàng đến tháng 11/2022, tuy nhiên, khách hàng đa số đã rút ngắn thời gian đặt hàng do lượng tồn kho cao. Mặt hàng quần áo cũng không còn là mặt hàng được ưa chuộng trong bối cảnh lạm phát, trong khi đó, nhập khẩu nguyên liệu cho sản xuất hàng điện tử giảm 10,4% so với tháng trước nhưng vẫn tăng 17,8% so với cùng kỳ.

Theo thị trường, nhập khẩu từ các thị trường như Hoa Kỳ và EU vẫn tăng trưởng âm, nhập khẩu từ Hàn Quốc tăng cao nhất (+32,4% so với cùng kỳ), nhập khẩu từ Trung Quốc tăng 13,3% so với cùng kỳ.

Nhật Minh

Theo KTĐU

Từ khóa: