VDSC cho biết, theo Kế hoạch số 2715/KH-UBND về Phòng chống và Kiểm soát Covid-19 ban hành vào ngày 15/8, chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu kiểm soát đại dịch với hai giai đoạn.
Trong giai đoạn đầu (từ 15/8 đến 31/8), thành phố sẽ tập trung giảm tỷ lệ tử vong, đảm bảo các ca bệnh đều được điều trị, mở rộng “vùng xanh” và tăng cường việc khống chế đại dịch tại huyện Cần Giờ, Nhà Bè, Củ Chi, Phú Nhuận, Quận 5, Quận 7 và Quận 11. Do đó, VDSC kỳ vọng rằng việc tiếp tục tăng cường tiến độ tiêm chủng có thể giúp các hoạt động kinh tế trong thành phố dần mở cửa trở lại vào quý 4/2021.
VDSC cũng cho biết, trong giai đoạn 2 (từ 1/9 đến 15/9), thành phố đẩy mạnh việc giảm 20% số ca tử vong và số ca nặng, số bệnh nhân nhập viện trong ngày không cao hơn số bệnh nhân xuất viện trong ngày và số lượng số bệnh nhân nhập viện không được vượt quá 2.000 ca mỗi ngày. Ngoài ra, thành phố đặt mục tiêu đến ngày 15/9 có 70% dân số (trên 18 tuổi) được tiêm vắc-xin mũi 1 và 15% người dân hoàn thành tiêm vắc-xin mũi 2.
Trong báo cáo mới được cập nhật, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, cho đến nay, đại dịch vẫn đang hoành hành trong thành phố với số ca nhiễm mới mỗi ngày trung bình còn cao. Tuy nhiên, tiến độ tiêm chủng cũng đang được đẩy mạnh hơn, tính đến ngày 25/8, gần 5,6 triệu người, tương đương 76% người trưởng thành ở TP.HCM đã được tiêm ít nhất một liều trong khi 3% trong số họ đã được tiêm chủng đầy đủ.
Tỷ lệ tiêm chủng hàng ngày ở TP.HCM gần đây tạm thời sụt giảm do có sự chậm trễ trong việc phân bổ vắc-xin. Tính đến ngày 25/8, tổng số 16,1 triệu liều vắc-xin đã được tiêm so với tổng số 23,9 triệu liều vắc-xin đã được nhận. Dự kiến tiến độ phân phối và cung cấp vắc xin sẽ được thúc đẩy nhanh hơn vào tháng 9/2021 và quý 4/2021. Do đó, VDSC kỳ vọng rằng việc tiếp tục tăng cường tiến độ tiêm chủng có thể giúp các hoạt động kinh tế trong thành phố dần mở cửa trở lại vào quý 4/2021.
Cũng theo VDSC, cho đến nay, hơn 60% doanh nghiệp trong các khu công nghiệp và khu chế xuất của Thành phố Hồ Chí Minh đã tạm ngừng hoạt động do biện pháp hạn chế dịch Covid-19. Trong khi đó, khoảng 30 - 40% doanh nghiệp tại các khu công nghiệp của các tỉnh lân cận (Long An, Bình Dương, Đồng Nai) phải tạm dừng hoạt động. Ngoài ra, sau hơn một tháng triển khai mô hình sản xuất “3 tại chỗ”, nhiều doanh nghiệp ở khu vực phía Nam đang gặp thách thức khi triển khai mô hình này do rủi ro lây nhiễm Covid-19 cao trong nhà máy cũng như gánh nặng chi phí gia tăng.
Dữ liệu thương mại mới nhất trong nửa đầu tháng 8/2021 cho thấy sự suy thoái đáng lo ngại đối với hoạt động xuất khẩu một số mặt hàng trọng yếu, gồm thủy sản (giảm 30,1% so với cùng kỳ), rau củ (giảm 21,5%), gạo (giảm 24,8%), dệt may (giảm 16,5%), sản phẩm gỗ (giảm 31,5%), túi xách (giảm 42,7%), giày dép (giảm 42,2%) và sản phẩm công nghệ (giảm 10,5%).
Hiện tại, vắc-xin đóng vai trò chủ chốt trong việc nối lại các hoạt động kinh doanh. Theo cơ quan chức năng của Tp.HCM, thành phố đã tiêm phòng cho khoảng 85% công nhân tại các khu công nghiệp và khu chế xuất. TP.HCM đã chuẩn bị triển khai kế hoạch tiêm mũi đầu tiên cho 15% số công nhân còn lại trước ngày 15/9. Tỷ lệ tiêm vắc-xin cho công nhân tại các khu công nghiệp của các tỉnh lân cận thấp hơn nhiều so với TP.HCM, khoảng 30 - 40% tổng số lao động. Các tỉnh khác ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng có tỷ lệ tiêm chủng thấp hơn, cho thấy việc mở cửa trở lại sẽ không đồng đều giữa các tỉnh miền Nam Việt Nam.
Nhật Minh
Theo KTDU