Nhiều VĐV của đoàn thể thao VN dự Olympic Rio 2016 đã đề nghị Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện tăng tiền ăn để VĐV có đủ dinh dưỡng tập luyện, thi đấu.
HLV Nguyễn Thị Nhung phát biểu tại buổi gặp mặt tổng kết của đoàn TTVN dự Olympic Rio 2016. Ảnh: NAM KHÁNH
Việc ăn no, ăn thế nào để có đủ chất tưởng là chuyện nhỏ, nhưng với các VĐV của thể thao VN lại là mối lo thường trực. Và những đề xuất của các VĐV, HLV đã được chia sẻ với Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện vào chiều 24-8 trong buổi gặp mặt tổng kết của đoàn TTVN dự Olympic Rio 2016.
Xin tăng tiền ăn,
tiền công tập luyện
Tại buổi gặp mặt, tay vợt cầu lông Vũ Thị Trang cho biết các VĐV không có mong muốn gì hơn ngoài việc đề nghị Bộ VH-TT&DL quan tâm hơn đến việc ăn uống của VĐV. Những VĐV như Trang rất cần được Nhà nước tăng tiền ăn để đảm bảo đủ dinh dưỡng, đủ sức khỏe phục vụ việc tập luyện và thi đấu thể thao.
Đô vật Nguyễn Thị Lụa, VĐV judo Văn Ngọc Tú cũng có chung mong muốn ngành thể thao cần xem xét tăng tiền ăn, tiền công tập luyện cho VĐV thể thao bởi theo họ, khi VĐV chưa được ăn đủ chất, tiền công tập luyện quá thấp thì không ai có thể yên tâm cống hiến.
Theo quy định của Nhà nước, hiện nay các VĐV ở đội tuyển quốc gia được hưởng chế độ tiền ăn 200.000 đồng/người/ngày và chế độ tiền công 150.000 đồng/người/ngày. Với các VĐV trọng điểm, khoảng ba tháng trước mỗi kỳ Olympic, Asiad, SEA Games diễn ra, họ được tăng tiền ăn và tiền công tập luyện lên tổng cộng 800.000 đồng/người/ngày. Dù vậy, số tiền này được cho là quá thấp so với nhu cầu dinh dưỡng để đáp ứng yêu cầu tập luyện cường độ cao của các VĐV thể thao. Riêng tiền công tập luyện, theo chế độ hiện nay, một VĐV trọng điểm dự Olympic cũng chỉ có lương trung bình 4-5 triệu đồng/tháng.
Thể dục phải có dụng cụ, bắn súng phải có đạn
Phát biểu với Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, HLV Nguyễn Thị Thanh Thúy của đội tuyển thể dục dụng cụ (TDDC) cho biết đội đã hoàn thành 70- 80% nhiệm vụ tại Olympic Rio. Dù chưa thể giành được huy chương nhưng TDDC VN được đánh giá là một trong những quốc gia có thành tích phát triển. Là môn thể thao khắc nghiệt nhưng theo HLV Thanh Thúy, TDDC hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn vì thiếu dụng cụ tập luyện.
HLV Thanh Thúy nói: “TDDC là môn thể thao phải có dụng cụ tập luyện, thế nhưng hiện nay đội tuyển thiếu rất nhiều dụng cụ, phương tiện bổ trợ để tập luyện. Muốn có thành tích cao, VĐV phải có dụng cụ tốt để tập, được phục hồi tốt chấn thương và phục hồi sau tập luyện. Tôi mong lãnh đạo bộ quan tâm đầu tư hơn với TDDC để môn này có đủ điều kiện tập luyện”.
Trong khi đó, HLV Nguyễn Thị Nhung của đội tuyển bắn súng cho biết môn bắn súng không có mong muốn gì hơn ngoài được trang bị đủ cơ sở vật chất để VĐV có thể tập luyện. Thời gian qua, bắn súng VN luôn trong tình trạng VĐV thiếu đạn để tập luyện, ảnh hưởng không ít đến việc tuyển chọn, đào tạo, huấn luyện VĐV đỉnh cao. Ngay cả với các VĐV nâng cao tập trung cho Olympic cũng rơi vào tình cảnh này.
Tại buổi tổng kết, các thành viên đoàn TTVN cũng tự đánh giá được vị trí của mình ở đâu sau Olympic Rio 2016. HLV Trần Anh Hiệp, đội tuyển điền kinh, cho biết với điền kinh và một số môn khác, đấu trường Olympic thật sự quá sức để giành huy chương. Tuy nhiên nếu muốn có thành tích, VĐV phải được đầu tư tốt hơn về chế độ dinh dưỡng, tiền công tập luyện để yên tâm cống hiến.
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết ông lắng nghe tất cả những chia sẻ của VĐV, HLV và đề nghị ngành thể thao sớm tham mưu để tháo gỡ khó khăn. “Ăn uống là chuyện tối thiểu, ăn uống đến nỗi gì mà VĐV không đủ chất dinh dưỡng. Cử tạ dù đặt nhiều hi vọng nhưng không có huy chương cũng không sao vì thể thao có thắng có thua. Thua lần này ta sẽ nỗ lực hơn ở những lần khác” - ông Thiện chia sẻ.
Rút kinh nghiệm việc VĐV không có HLV
Phát biểu với báo chí sau cuộc gặp, ông Trần Đức Phấn, trưởng đoàn TTVN dự Olympic Rio, cho biết nếu cần phải rút kinh nghiệm, ông sẽ nhận trách nhiệm về việc một số VĐV không có HLV đi cùng đến Olympic như cầu lông, judo. Tuy nhiên, thành tích giành vị trí 48 trên bảng tổng sắp huy chương Olympic của đoàn TTVN lần này là đáng tự hào.
Liên quan đến việc đầu tư cho môn karatedo đã được đưa vào chương trình thi đấu tại Olympic Tokyo 2020, ông Phấn cho biết nếu được quyền quyết định, ông sẽ chưa chọn đầu tư đặc biệt cho karatedo ở thời điểm này.
theo TTO