Sự kiện hot
7 năm trước

Về Hội An thăm làng nghề mộc Kim Bồng

Nhắc đến Hội An, không thể không nhắc đến làng nghề nổi tiếng Kim Bồng, tên gọi cũ là Kim Bồng Châu, thuộc xã Cấm Kim thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam.

Nhắc đến Hội An, không thể không nhắc đến làng nghề nổi tiếng Kim Bồng, tên gọi cũ là Kim Bồng Châu, thuộc xã Cấm Kim thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. Nơi đây là cái nôi sản sinh ra nghề thủ công nổi tiếng mang tên nghề mộc Kim Bồng. Từ phố cổ Hội An, bạn đến đường Bạch Đằng ven sông, đoạn bên hông chợ Hội An rồi tiếp tục đi đò tuyền Hội An - Cẩm Kim, mất chừng 10 phút đi phà là tới làng mộc Kim Bồng.

Từ phố cổ Hội An bạn chỉ mất chừng 10 phút đi phà là tới làng mộc Kim Bồng . Ảnh: Juliarachelnz

Ngay khi bước chân đến vùng đất Kim Bồng, bạn sẽ nhìn thấy cổng chào với tấm biển lớn “Làng mộc Kim Bồng”, cạnh đó là những khu nhà trưng bày nối nhau san sát vừa là nơi trình diễn nghề mộc của người dân, vừa là nơi thưởng lãm dành cho khách du lịch.

Ấn tượng đầu tiên bạn có thể cảm nhận được đó là nghe thấy rõ mồn một tiếng đục đẽo, khoan cắt vang lên từ hai bờ Đông Tây. Những âm thanh tưởng chừng rất đỗi mộc mạc và giản đơn ấy đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống của người dân bao đời và như một ấn tượng khắc ghi trong lòng khách du lịch phương xa.

Ngay khi đặt chân đến làng mộc Kim Bồng, bạn sẽ nghe thấy rõ mồn một tiếng đục đẽo, khoan cắt vang lên từ hai bờ Đông Tây. Ảnh: Longcallyn

Theo lịch sử ghi lại, nghề mộc Kim Bồng được hình thành từ thế kỷ 15 bởi những người Việt đầu tiên ở đồng bằng Bắc Bộ và vùng Thanh - Nghệ - Tĩnh vào khai khẩn vùng đất Cẩm Kim - Hội An. Cuối thế kỷ 16, đầu thế kỷ 17 nghề mộc Kim Bồng bắt đầu phát triển nhờ sự phồn thịnh của thương cảng Hội An. Đến thế kỷ 18, nghề mộc Kim Bồng đã phát triển mạnh mẽ và thịnh đạt thành làng nghề với ba nhóm nghề rõ rệt: nghề mộc xây dựng, nghề mộc dân dụng và nghề đóng tàu thuyền mộc.

Nghề mộc Kim Bồng được hình thành từ thế kỷ 15, phát triển và giữ nguyên vẹn cho đến ngày nay. Ảnh: Alittlebitoften

Đến với làng mộc Kim Bồng, bạn không chỉ được ghé thăm những xưởng mộc mà còn được trực tiếp tìm hiểu cách để làm ra một sản phẩm hoàn chỉnh, được tận mắt nhìn thấy những nét chạm khắc điêu luyện qua đôi bàn tay của người thợ tài hoa.

Tại đây hiện đang trưng bày rất nhiều sản phẩm đặc sắc có thể kể đến như: Chiếc đinh hương chạm khắc 1000 con rồng bằng hình ảnh cây tre hóa đã được triễn lãm nhân dịp 1000 năm Thăng Long tại Hà Nội, chùa Cầu Hội An được chuyển thể nguyên trạng, …

Đến ngày này, làng Kim Bồng được phân chia như sau: phía Đông đóng tàu thuyền, phía Kim Bồng Tây chạm khắc gỗ để cho ra những sản phẩm hàng mỹ nghệ phục vụ khách du lịch. Ảnh: Ginafo

Làng Kim Bồng cũng chẳng phân biệt độ tuổi, già trẻ hay trai gái, mỗi người một khâu đoạn khác nhau để ráp thành một sản phẩm hoàn chỉnh. Thế mới thấy, mọi người theo nghề với một tình yêu sâu sắc và một niềm đam mê mãnh liệt muốn bảo tồn nghề làm mộc. Ảnh: Hoianmates

Vì sao trải qua bao năm tháng làng mộc Kim Bồng vẫn giữ được nét riêng cho nghề? Bởi những nét chạm khắc ở đây vừa có đường nét mềm mại, thanh thoát vừa rất đỗi nhẹ nhàng, mộc mạc nhưng không kém phần tinh tế, chau chuốt. Ảnh: Senorita_nic

Đó là những điều mà bạn có thể cảm nhận được trên từng đồ vật lưu niệm nhỏ nhắn, đến những bức tượng được gọt mài công phu, hay những nếp nhà có những hoa văn tinh xảo uốn lượn như rồng bay phượng múa trên từng cây cột gỗ quý. Ảnh: Mvk0016

Những sản phẩm của làng mộc Kim Bồng ngày nay có nét khác biệt so với những làng nghề khác ở chỗ những sản phẩm đều được để mộc. Nếu có sơn phết đánh bóng cũng rất nhẹ nhàng để giữ được màu gỗ tự nhiên, chân thực. Chính từ những hình ảnh con trâu đến con lợn gỗ mộc mạc...đã thu hút sự tò mò thích thú của khách du lịch.

Vậy nên ghé thăm làng Mộc Kim Bồng, bạn sẽ có dịp ngắm nhìn những người thợ làng khéo léo vẫn đang cần mẫn bình thản đẽo gỗ ngày đêm. Và thấy trong từng nét chạm khắc tinh hoa ấy chứa đựng biết bao nhiêu giọt mồ hôi, sự nhẫn nại và lòng yêu nghề.

Ảnh: Littlewhorhito

Mây
Theo Đời sống & Pháp lý

Từ khóa: