Đây là nội dung trong Thông báo kết luận thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) được Thanh tra Chính phủ công bố trong buổi họp báo sáng 19/7.
Về quản lý đầu tư và mua sắm tài sản, Thông báo kết luận thanh tra cho hay, việc quyết định đầu tư dự án Vinasat I, II với tổng mức đầu tư 9.280 tỷ đồng đã đạt được mục tiêu về chính trị - xã hội, khẳng định chủ quyền của quốc gia đối với nguồn tài nguyên trên quỹ đạo vệ tinh, đảm bảo yêu cầu về thông tin vệ tinh phục vụ an ninh, quốc phòng, phòng chống thiên tai…
Tuy nhiên, đến thời điểm 2011, dự án chưa đảm bảo hiệu quả kinh doanh như kế hoạch được phê duyệt. Cụ thể, Vinasat I, II đã lỗ vượt dự kiến 329 tỷ đồng.
Vệ tinh Vinasat I đánh một dấu mốc quan trọng trong lịch sử phát triển khoa học công nghệ Việt Nam.
Vinasat I là vệ tinh viễn thông địa tĩnh đầu tiên của Việt Nam được phóng vào vũ trụ tháng 4 năm 2008. Vệ tinh này có thể cung cấp dịch vụ đường truyền vệ tinh để phát triển các dịch vụ ứng dụng như dịch vụ thoại, truyền hình, thông tin di động, truyền số liệu, Internet, các dịch vụ đào tạo và y tế từ xa, truyền tin cho ngư dân trên biển, dự báo thời tiết, đảm bảo an ninh quốc phòng...
Đặc biệt, Vinasat I cung cấp đường truyền thông tin cho các trường hợp khẩn cấp như thiên tai, bão lụt, đường truyền cho các vùng sâu, vùng xa, hải đảo mà các phương thức truyền dẫn khác khó vươn tới được.
Với Vinasat I, Việt Nam trở thành nước thứ 93 trên thế giới và nước thứ 6 trong khu vực đông nam Á có vệ tinh riêng bay vào quỹ đạo.
Vinasat II được phóng lên quỹ đạo tháng 5/2012 cùng với vệ tinh viễn thông JCSAT-13 của Nhật Bản. Được biết, VNPT tính toán, việc sử dụng và triển khai Vinasat II sau 10 năm mới có lãi.
Việt Nguyễn
theo GĐ&XH