Cách thủ đô Hà Nội hơn 50 km có một ngôi làng cổ đá ong, kết tinh rực rỡ sự phát triển hàng nghìn năm của nền văn minh châu thổ sông Hồng, trải qua bao thăng trầm của lịch sử vẫn còn nguyên vẹn kiến trúc. Đó là làng cổ Đường Lâm, thuộc thị xã Sơn Tây – Hà Nội.
Đi từ Quốc lộ 32, ngôi làng hiện ra cổ kính với nguyên vẹn giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể hòa quyện vào nhau qua hàng thế kỷ. Cổng làng chính nằm ở làng Mông Phụ, quay về hướng Đông Nam, là một ngôi nhà hai mái nằm ngay trên đường vào làng, bên cạnh là cây đa hơn 300 tuổi, bến nước, ao sen… tạo ra một cảnh quan nguyên vẹn hiếm có tính đến thời điểm hiện nay.
Chiều tà trên cổng làng Đường Lâm
Đường Lâm từ xưa gồm 9 làng thuộc tổng Cam Giá Thịnh, huyện Phúc Thọ, trấn Sơn Tây; trong đó 5 làng Mông Phụ, Đông Sàng, Cam Thịnh, Đoài Giáp và Cam Lâm liên kề nhau. Các làng này gắn kết với nhau thành một thể thống nhất với phong tục, tập quán và tín ngưỡng hàng ngàn năm nay không hề thay đổi. Đầu thế kỷ XIX, Đường Lâm là nơi đặt lỵ sở của trấn Sơn Tây.
Từ cổng làng đi vào làng trên những con đường lát gạch sạch sẽ, đi giữa những bức tường đá ong có màu vàng sậm khiến cho du khách cảm nhận được sự ấm cúng, bình yên của ngôi làng.
Đường xá được xây dựng theo hình xương cá với nhiều đường ngõ nhỏ với đình làng Mông Phụ là khu vực trung tâm, với cấu trúc này nếu đi từ đình ra sẽ không bao giờ quay lưng vào cửa Thánh. Cấu trúc này cũng tạo ra một không gian rộng lớn ở trung tâm làng, là nơi giao lưu văn hóa, diễn ra các lễ hội truyền thống vào các ngày Lễ, Tết… ; cũng khiến cho cư dân trong làng có môi trường sống an toàn.
Đình làng Mông Phụ
Làng cổ Đường Lâm có hơn 950 ngôi nhà cổ, nằm ở các làng Đông Sàng, Mông Phụ và Cam Thịnh. Có nhiều ngôi nhà được xây dựng từ rất lâu đời (thế kỷ XVII, XVIII), đều được xây dựng bằng loại vật liệu truyền thống của xứ Đoài là: đá ong, tre, gỗ xoan, nứa, gạch đất nung, ngói, đất nện, trấu, mùn cưa,…
Trò chuyện với ông Hùng, một trong những chủ nhà cổ loại I ở Đường Lâm, được biết: Nhà ở đây thường được xây dựng với mô hình 5 gian hay 7 gian 2 dĩ, gắn liền với nhà là sân, vườn, bếp, nhà ngang, giếng nước, chuồng trại, bình phong, cao, cây rơm, cổng có mái che. Nhìn trên vòm cổng, người ta có thể biết được đâu là nhà của thường dân, đâu là nhà của quan lại. Với những quy ước riêng về kiến trúc xây dựng như bộ khung, hình thức kết cấu, vật liệu xây dựng hay các chi tiết chạm khắc hoa văn…tạo sự phong phú, đa dạng của nhà ở truyền thống đã và đang tồn tại trên vùng đất giàu truyền thống thuộc đồng bằng Bắc Bộ.
Làng cổ Đường Lâm còn có một hệ thống các nhà thờ họ, miếu, quán đình, chùa, giếng cổ… nằm trong một môi trường cảnh quan sinh động và trù phú đã tạo thành một điểm nhấn thú vị cho vùng đất Sơn Tây và Hà Nội. Đây là ngôi làng cổ đầu tiên ở Việt Nam được Nhà nước trao bằng Di tích Lịch sử Văn hóa Quốc gia năm 2006.
Người dân nơi đây rất trọng việc học hành. Vì vậy, người tài sinh ra từ làng quê này không phải là ít. Đường Lâm được mệnh danh là “đất hai vua”, là quê hương của Bố Cái Đại vương Phùng Hưng và Ngô Quyền. Ở chốn này, còn là quê hương của nhiều danh nhân lớn, như: Bà chúa Mía, Thám hoa Giang Văn Minh, Phan Kế Toại, Hà Kế Tấn… Ngày nay, con cháu cư dân làng Đường Lâm vẫn giữ nếp truyền thống của cha ông học hành giỏi giang, tỷ lệ đỗ đại học cao, nhiều người giữ các trọng trách cao ở địa phương và khắp đất nước.
(ảnh: Tân Phạm)
Ở xứ Đoài này, chẳng còn gì trở nên thú vị hơn khi thưởng thức hay mang về làm quà những đặc sản dân dã, ngon miệng như cặp bánh tẻ Phú Nhi, một con gà Mía “chính cống”, một chai tương quê hay ít kẹo dồi, chè lam… do các mẹ, các chị ở đây làm từ chính hạt gạo họ gieo trồng. Đường Lâm trở nên dung dị và gần gũi như chính ở quê mình.
Đền thờ Phùng Hưng
Lăng Ngô Quyền
Với những nét đặc trưng về kiến trúc, nghệ thuật, văn hóa và ẩm thực của một làng Việt cổ vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, Đường Lâm chỉ đứng sau phố cổ Hà Nội và phố cổ Hội An về quy mô cũng như giá trị nghệ thuật. Đến đây, ta ngỡ ngàng trước một làng cổ còn lưu giữ những sắc màu thời gian với một thế giới ẩn chứa nhiều điều bí ẩn dần được hé mở. Giữa vòng xoáy hối hả của thời hiện đại bên ngoài, nơi này lặng lẽ khép mình vào một góc tưởng chừng bị quên lãng. Ở nơi đây, dấu thời gian dường như không có tuổi…
Huy Phạm