Nếu bạn có dịp ghé thăm huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang trên quốc lộ 91, bạn sẽ thấy một ngôi chùa có kiến trúc rất ấn tượng nằm ngay phía bên phải được biết đến với tên gọi là Thiền viện Đông Lai hay Chùa bánh xèo.
Về An Giang những ngày cuối tháng 9, nơi nổi tiếng với nét kiến trúc độc đáo của người Khmer và cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng mang đậm chất miền Tây Nam Bộ. Sau khi khám phá những điểm đến nổi tiếng của mảnh đất này, hãy dành thời gian ghé thăm Thiền Viện Đông Lai - Nơi được biết đến với rất nhiều điều ấn tượng.
Ảnh: Vincentymx
Thiền viện có khuôn viên khá rộng và thoáng, với các loại cây cảnh trang trí xanh mát. Du khách đến đây có thể viếng chùa hành hương và chiêm ngưỡng tượng Phật Thích Ca nằm rất đẹp, ngoài ra còn có tượng Phật bà Quan Thế Âm.
Thế nhưng, điều muốn nói ở đây không phải là nét kiến trúc ấn tượng của ngôi chùa hay bởi lượng khách ghé thăm vào ngày lễ. Vì sau khi hành lễ Phật xong, bạn sẽ được thưởng thức một món ăn được xem là "Đặc sản" của ngôi chùa là bánh xèo chay. Chính nét độc đáo này mà Thiền viện Đông Lai còn được biết đến với tên gọi khác là chùa Bánh xèo.
Chùa bánh xèo tọa lạc ngay dưới chân Núi Cậu, ở khóm Xuân Phú, huyện Tịnh Biên, mang nét kiến trúc đặc trưng của một ngôi chùa vùng Tây Nam Bộ với ba lớp mái nhỏ dần và những hình tượng đầu đao truyền thống. Ảnh: Wuemin64
Phía bên phải của ngôi chùa còn có tượng Phật Thích Ca nhập niết bàn, trong tư thế nằm nghiêng với chiều dài 6 mét. Ảnh: Minhhieu
Phía sau chánh điện là nhà ăn, phía trong cùng là khu vực bếp. Khu vực đổ bánh xèo nằm bên phải chánh điện, cách một lối đi, vừa đề phân biệt vừa giúp tránh gây nóng nực cho nhà ăn. Ảnh: Mynguyenhoang
Vào ngày lễ hay đặc biệt là cuối tuần, lượng du khách đến hành hương trở nên đông hơn. Vì vậy, mỗi bếp bánh xèo phải nổi đến 2 - 3 giàn bếp, mỗi giàn có tới 12 chảo chiên bánh. Bạn sẽ không khỏi choáng ngợp trước cách họ chế biến bánh xèo nhanh thoăn thoắt .Các tình nguyện viên thay nhau làm bánh và đổi ca làm sau khoảng từ 1- 2h làm liên tục. Ảnh: Thutaodan
Chi phí nguyên vật liệu được tích từ tiền công đức, người đứng bếp và phục vụ đều là các tình nguyện viên có lòng làm công quả cho nhà Chùa. Trung bình một ngày họ sản xuất từ 6.000 - 7.000 chiếc bánh, còn nếu cuối tuần và ngày lễ lượng bánh có thể nhiều hơn gấp 4 lần. . Ảnh: Gia Phan
Nhưng không vì thế mà hương vị của bánh bị thay đổi, vỏ bánh xèo làm từ bột gạo và nhân được làm từ đậu xanh, đậu tương nên có mùi thơm rất ngậy. Khi ăn sẽ dùng bánh cuộn với rau rừng và nước chấm được nhà chùa làm riêng. Bánh xèo ở đây rất ngon bởi rau được trồng và hái từ trên núi là đặc trưng không phải nơi nào cũng có được nên nếu có dịp bạn hãy ghé thăm ngôi chùa để được thấy cảnh đẹp và thưởng thức bánh xèo do các phật tử ở chùa đổ. Ảnh: Dede
Theo ĐSPL, Vietnammoi