Sự kiện hot
3 năm trước

VEAM đặt kế hoạch lợi nhuận giảm 19% trong năm 2021

VEAM đặt mục tiêu năm 2021 với doanh thu thuần công ty mẹ ở mức 1.116 tỷ đồng, gấp 2,5 lần thực hiện năm 2020. Ngược lại, doanh thu tài chính suy giảm 21% về còn 6.290 tỷ đồng. Do đó, lợi nhuận sau thuế cũng giảm 19% về mức 5.930 tỷ đồng.

Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM - Mã: VEA) đã công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2021.

Năm 2021, VEAM cho rằng vẫn còn bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, nền kinh tế toàn cầu có nguy cơ tiếp tục suy thoái. Bên cạnh đó, kế hoạch bàn giao cổ phần hoá, thoái vốn Nhà nước, niêm yết trên thị trường chưng khoán có tốc độ thực hiện chậm bởi cả yếu tốt khách quan và chủ quan.

Theo đó, VEAM đặt mục tiêu năm 2021 với doanh thu thuần công ty mẹ ở mức 1.116 tỷ đồng, gấp 2,5 lần thực hiện năm 2020. Ngược lại, doanh thu tài chính suy giảm 21% về còn 6.290 tỷ đồng. Do đó, lợi nhuận sau thuế cũng giảm 19% về mức 5.930 tỷ đồng.

Cũng cần lưu ý, khoản lợi nhuận sau thuế này chưa tính trích lập dự phòng khoản phải thu là các khoản VEAM đã hỗ trợ tài chính (cho vay) đối với các đơn vị có vốn góp của VEAM.

Theo VEAM, doanh thu tài chính và lợi nhuận sau thuế dự kiến thấp hơn so với kết quả đạt được năm 2020 do tác động của dịch Covid-19. Còn doanh thu thương mại dự kiến tăng mạnh thông qua việc tăng cường hợp tác cung cấp vật tư đầu vào cho các đơn vị có vốn của VEAM.

VEAM cho biết công ty mẹ tiếp tục tập trung vào việc tìm các giải pháp tháo gỡ khó khăn như kiến nghị Chính phủ về các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất máy nông nghiệp; hoàn thiện đề án tái cơ cấu trình chủ sở hữu phê duyệt; giải quyết hàng tồn kho, công nợ...

Đối với các công ty con, dự kiến các đơn vị có tỷ trọng lớn về doanh thu như DISOCO, SVEAM, FUTU1, FOMECO tiếp tục tăng trưởng và đóng góp chính cho mục tiêu chung.

Các công ty thương mại Matexim, Vetranco đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu, đảm bảo không lỗ nhưng dự kiến sẽ gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn hoạt động.

Đối với các đơn vị có kết quả kinh doanh thu lỗ nhiều năm như TAMAC, THĐ, Viện công nghệ... sẽ được xem xét và đánh giá kỹ hơn khi phê duyệt hoặc giao chủ tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh.

VEAM tiếp tục rà soát, xây dựng và hoàn thiện đề án tái cơ cấu với mục tiêu cổ phần hoá một số công ty, thoái vốn ở đơn vị hoạt động không hiệu quả như Matexim HN, Nakyco, Cơ khí Vinh, Vetranco...

Năm 2020, VEAM ghi nhận doanh thu thuần 3.667 tỷ đồng, giảm 18% so năm 2019. Nhưng lãi liên doanh liên kết tới 5.124 tỷ đồng (giảm 28%) nên lãi sau thuế ghi nhận 5.552 tỷ đồng, vẫn giảm 24% so năm trước. Riêng công ty mẹ ghi nhận lãi sau thuế 7.302 tỷ đồng, tăng 8% so năm 2019.

Với kết quả đó, VEAM dự kiến chi 6.631 tỷ đồng để chia cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông. Như vậy, với vốn điều lệ 13.288 tỷ đồng, khả năng VEAM sẽ chia cổ tức với tỷ lệ 49,9%. Trước đó, năm 2019, VEAM đã chia cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ khá cao 52,53%.

Lan Anh
Theo KTDU

Từ khóa: