VFF, hay chính xác hơn một số người ở VFF, hẳn đã không lường trước phản ứng của dư luận lại dữ dội đến vậy khi chơi nước cờ “thí chốt”, đổi ông Falko Goetz để giữ lại ông Trần Quốc Tuấn.
VFF, hay chính xác hơn một số người ở VFF, hẳn đã không lường trước phản ứng của dư luận lại dữ dội đến vậy khi chơi nước cờ “thí chốt”, đổi ông Falko Goetz để giữ lại ông Trần Quốc Tuấn.
Trên thực tế, cho đến trước phiên họp của BCH VFF diễn ra ngày 22/12, TTK Trần Quốc Tuấn đã nhận được khá nhiều lời khuyên từ những người có trách nhiệm. Đại để rằng đây là thời điểm thích hợp để rút lui, thay vì bám víu vào chiếc ghế vốn đã không còn an toàn.
Ông Tuấn là cán bộ thuộc diện quy hoạch của Tổng cục TDTT, mang hàm Vụ trưởng. Ở độ tuổi của ông Tuấn, tương lai phía trước chắc chắn còn rất nhiều hứa hẹn. Và trong khoảng dăm ba năm nữa, nếu còn hứng thú với bóng đá, ông Tuấn vẫn có “cửa” trở lại. Người hâm mộ VN vốn chóng quên, và chẳng mấy khi nhớ dai những chuyện buồn trong quá khứ.
Nếu xét về năng lực, ông Tuấn không phải là người kém cỏi, chí ít trong bối cảnh nhân tài bóng đá thiếu vắng như hiện nay. Việc không chọn được ứng viên nào khả dĩ thay được ông Tuấn ở vị trí TTK là một lý do khiến ngành thể thao còn lưỡng lự khi đưa ra quyết định cuối cùng, bên cạnh những lý do khác.
Ông Tuấn sẽ cùng ra đi với ông Goetz, hay chỉ một trong số 2 người này phải rời khỏi VFF?
May mắn phải dựa trên cơ sở thực tế, và hẳn nhiên không phải ngẫu nhiên ông Tuấn lại được tín nhiệm vào ghế TTK khi tuổi đời còn rất trẻ. Trẻ nhất so với các đời tiền nhiệm. Những người nắm giữ các vị trí chủ chốt ở VFF hiện nay lại phần nhiều đã có tuổi. Đấy là một lý do khác để ông Tuấn rút lui. Tổng cục TDTT vốn dĩ cũng đã tính đến phương án bố trí vị trí công tác mới cho ông Tuấn trong trường hợp ông TTK rời VFF.
Trước những góp ý chân tình trên, TTK Trần Quốc Tuấn nhiều thời điểm có vẻ như đã sẵn sàng cho việc rời bỏ vị trí hiện tại ở VFF, cho dù không phải là tâm nguyện. Nhưng mọi sự đã thay đổi hoàn toàn trước khi bước vào cuộc họp của BCH VFF ngày 22/12. Chỉ một ngày trước đó, tất cả các nguồn tin đều đi đến thống nhất, là ông TTK VFF sẽ trở về với Tổng cục TDTT hoặc một vị trí ở Viện khoa học TDTT.
Chiếc “phao” BCH VFF đã được “ném” ra, như một nỗ lực cuối cùng trong việc giữ lại ông TTK. Dĩ nhiên, kèm đó là việc HLV Goetz phải ra đi. Một động tác “thí chốt”, như bình luận của nhà báo Vũ Mạnh Hải, nguyên TBT báo Bóng đá (cơ quan ngôn luận chính thức của VFF) hay chuyên gia Lê Thế Thọ, uỷ viên Hội đồng HLV quốc gia. Không khó lắm để đọc những ý kiến phản hồi của hàng trăm độc giả các tờ báo mạng, với cùng cách nhìn như trên.
Dư luận có lý để nghi ngờ, khi vẫn những lãnh đạo đó ở VFF, chỉ cách đây một tháng còn nhất quyết bảo vệ cho ông Goetz, nhưng một tháng sau lại đưa ra quan điểm trái ngược 180 độ. Thậm chí đã có những phát ngôn chính thức, là ông thầy người Đức sẽ được trao thêm cơ hội, ít nhất là đến AFF Cup 2012.
Thực tế hiển hiện, ngay khi thông tin ông Tuấn từ chức được phát đi, khá đông các CĐV đã khen ngợi quyết định trên. Và cũng gần như lập tức, những người trót tin vào ý định từ chức của ông Tuấn, cộng với một lượng lớn hơn nhiều lần những người khác, đã nổi cơn bất bình trước pha cứu nguy có phần lộ liễu của VFF. Như bình luận của một người trong cuộc, thì thay vì ghi điểm, TTK Trần Quốc Tuấn lại hứng thêm sức ép mới còn lớn hơn cả thời điểm U23 VN mới trở về nước.
Chiếc “phao” của VFF rõ ràng đã được tung ra không đúng thời điểm và đúng cách. Trong khi cần phải nói thêm, nghị quyết của BCH VFF ngày 22/12 vừa qua vẫn chưa chắc chắn là sự đảm bảo tuyệt đối cho chiếc ghế TTK, dù được thông qua với 100% ý kiến tán thành.
Vĩnh Xuân
Theo Thể thao Văn hóa