Sự kiện hot
6 năm trước

'Vị cứu tinh' bí ẩn của In Trần Phú

Endo Việt Nam được xác định là đối tác phù hợp để đồng hành với In Trần Phú, dù doanh nghiệp này không hoạt động trong lĩnh vực in ấn.

in-tran-phu-nhadautu.vn
Trụ sở In Trần Phú tại lô đất vàng 5.000 m2 06 Thi Sách, Quận 1. Ảnh: XT

CTCP In Trần Phú ngày 16/12 đã tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông bất thường, với nội dung chính xoay quanh tăng vốn điều lệ, thông qua phát hành cổ phần riêng lẻ cho đối tác chiến lược.

Việc tăng vốn được lãnh đạo In Trần Phú khẳng định là rất cấp thiết, trong bối cảnh doanh nghiệp này đang chìm trong thua lỗ, doanh thu giảm sút (lỗ luỹ kế 42 tỷ đồng).

Theo đó, In Trần Phú xin Đại hội đồng cổ đông thông qua kế hoạch phát hành 20,275 triệu cổ phần, nâng vốn điều lệ lên 486 tỷ đồng.

Đối tác duy nhất được lựa chọn là Công ty TNHH Endo Việt Nam - pháp nhân sẽ sở hữu 41,72% vốn In Trần Phú sau khi giao dịch hoàn thành.

In Trần Phú có lịch sử từ năm 1945, là đơn vị có tên tuổi trong ngành in. Năm 2015, đơn vị này được cổ phần hoá. Cuối tháng 5/2018, Bộ Văn hoá Thể thao Du lịch thoái nốt 20% vốn còn lại, biến In Trần Phú trở thành doanh nghiệp 100% vốn tư nhân.

Sau 3 năm cổ phần hoá, các chỉ tiêu kinh doanh của In Trần Phú đi xuống rõ rệt: doanh thu từ 409 tỷ đồng năm 2015 về còn 353 tỷ đồng năm 2016, 321 tỷ đồng năm 2017 đi kèm với khoản lỗ kỷ lục 27,6 tỷ đồng. 9 tháng đầu năm 2018, cựu thành viên Bộ VHTTDL đạt doanh thu 207,6 tỷ đồng, lỗ sau thuế 14,9 tỷ đồng.

Dù vậy, giá trị lớn nhất của In Trần Phú không phải là vị thế trong ngành in ấn, mà là loạt đất vàng doanh nghiệp này đang nắm giữ giữa lòng Sài Gòn.

In Trần Phú hiện sở hữu 6 lô đất, trong đó có 4 lô đất lớn nằm ở trung tâm Quận 1, TPHCM, gồm 71-73-75 Hai Bà Trưng rộng 475 m2, 6 Thi Sách rộng 5.075,6 m2, 31-33 Lê Thánh Tôn rộng 2.832 m2, 35-37-39 Lý Tự Trọng rộng 840,7 m2. Ngoài ra còn lô đất 410,5 m2 tại 442-444-446 Nguyễn Tất Thành, Quận 4 và 9.569 m2 tại 6A Đường số 1, KP 2, Quận Thủ Đức. Khu đất hơn 5.000 m2 tại Thi Sách và gần 3.000 m2 tại Lê Thánh Tôn đã được cấp phép làm dự án bất động sản.

Với lượng tài sản có giá trị rất lớn như vậy, việc cổ đông hiện hữu chấp thuận cho cái tên mới Endo Việt Nam tham gia đầu tư, nắm giữ hơn 41% cổ phần sau khi tăng vốn, không cần qua chào mua công khai, là chi tiết đáng lưu tâm.

Một cổ đông đã chất vấn trong Đại hội ngày 16/12, rằng vì sao không phải là chào bán cho cổ đông hiện hữu hay một cái tên khác, mà là Endo Việt Nam. Phản hồi, lãnh đạo In Trần Phú cho biết do công ty đang lỗ luỹ kế, nên theo Luật Chứng khoán thì không đủ điều kiện chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu. Endo, do đó là đối tác phù hợp nhất được lựa chọn. HĐQT cũng rất mong muốn cổ đông tìm kiếm được đối tác có thể đồng hành lâu dài với doanh nghiệp.

Dù vậy, lời giải thích nêu trên xem chừng phần nhiều mang tính hình thức. Bởi để được thông qua, Endo Việt Nam đã nhận được cái gật đầu của đa số các cổ đông hiện hữu của In Trần Phú. Và họ là ai?

Cập nhật tới cuối tháng 6/2018, tức là sau khi Bộ VHTTDL thoái hết vốn, Công ty TNHH Đầu tư BĐS Phú Cường là cổ đông lớn nhất, nắm 38,69% vốn In Trần Phú, CTCP Dịch vụ và Kinh doanh BĐS Hà Nội có 26,52%, Công ty TNHH Thương mại Đầu tư Hoà Lợi và CTCP Xây dựng số 3 Hà Nội xếp sau với lần lượt 13,33% và 18,69%. Cổ đông nhỏ lẻ chia nhau 2,77% còn lại.

Theo tìm hiểu của Nhadautu.vn, 4 cổ đông lớn, nắm hơn 97% vốn In Trần Phú đều là thành viên của một tập đoàn tư nhân lớn hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, tài chính - ngân hàng, khách sạn, sân golf. Đơn cử, Công ty TNHH Thương mại Đầu tư Hoà Lợi có vốn 883 tỷ đồng, là chủ sở hữu 46,3 triệu cổ phần Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM). Lô cổ phần này hiện đang thế chấp tại LienVietPostBank chi nhánh Gia Lâm, và được định giá 1.365 tỷ đồng.

Xuân Tiên
Theo Nhà đầu tư

Từ khóa: