Có lẽ chất xúc tác đến từ việc Tổng công ty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai (Dofico) công bố kế hoạch thoái toàn bộ 70,13% vốn tại Công ty CP Tổng hợp Gỗ Tân Mai (với giá khởi điểm 36.500 đồng, cao gấp 2,6 lần thị giá của cổ phiếu TMW). Có lẽ ngoài sự hấp dẫn về lượng cổ phần được bán ra, giá trị của Công ty CP Tổng hợp Gỗ Tân Mai nằm ở các bất động sản (BĐS) doanh nghiệp này quản lý và sử dụng.
Nắm giữ nhiều bất động sản
Công ty CP Tổng hợp gỗ Tân Mai là một trong những đơn vị sản xuất kinh doanh lâu đời nhất miền Nam, có lịch sử hình thành từ năm 1905 do người Pháp quản lý. Năm 1954 giao lại cho chính quyền miền Nam tiếp tục sản xuất đến 30/4/1975. Tháng 1/1992 đổi tên thành Công ty Tổng hợp Chế biến Gỗ Tân Mai. Ngày 21/11/2005, UBND tỉnh Đồng Nai ban hành quyết định cổ phần hóa Công ty Tổng hợp Chế biến Gỗ Tân Mai. Tháng 3/2006 Công ty Tổng hợp Chế biến Gỗ Tân Mai được chuyển thành Công ty CP Tổng hợp Gỗ Tân Mai.
Là một doanh nghiệp lâu đời, một trong những tài sản đáng giá của Công ty là các khu đất mà công ty này đang quản lý, sử dụng.
Theo bản công bố thông tin, Công ty đang quản lý và sử dụng 89.523,8 m2 đất theo hình thức thuê đất có trả tiền thuê hàng năm. Trong đó, phải kể đến khu đất với diện tích 54.526,9 m2 nằm tại xã Thạch Phú và Thiện Tân, TP. Đồng Nai với thời hạn hợp đồng thuê đất kéo dài đến cuối năm 2054.
Bên cạnh đó, Công ty cũng đang quản lý và sử dụng 2 khu đất tại TP. Biên Hòa, Đồng Nai. Cụ thể là khu đất có diện tích 2.230,4 m2 tại đường Nguyễn Văn Hoa, phường Thống Nhất, TP. Biên Hòa với thời hạn thuê đất đến đầu năm 2046. Khu đất thứ hai nằm tại Khu công nghiệp Biên Hòa 1, phường An Bình, TP. Đồng Nai với diện tích 20.425,9 m2, có thời hạn thuê đến giữa năm 2051. Ngoài ra, còn khu đất 12.340,6 m2 tại xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom, TP. Đồng Nai.
Nằm giáp ranh với khu Đông của TP.HCM, Biên Hoà gần như đã trở thành thị trường “sân sau”, chia sẻ không gian và nhu cầu BĐS với TP.HCM. Thị trường tại đây ngày càng có sức hút lớn trong mắt các nhà đầu tư, nhất là khi có nhiều thông tin “nóng hổi” về quy hoạch phát triển hạ tầng, đáng chú ý như việc khởi công xây dựng Sân bay Long Thành dự kiến vào cuối năm 2019, triển khai đầu tư cao tốc và đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu, đại lộ Bắc Sơn - Long Thành… Theo kết quả khảo sát thị trường, giá nhà đất tại Biên Hòa hiện đã tăng từ 20 - 50% so với thời điểm đầu năm 2018. Riêng với loại hình đất thổ cư, đất nền, tuy giá không tăng mạnh như nhà phố nhưng cũng ngấp nghé mức 20 - 30% so với đầu năm.
Số lượng cổ phần bán lớn
Về tình hình hoạt động của Công ty CP Tổng hợp Gỗ Tân Mai, những năm qua không có nhiều chuyển biến, với doanh thu và lợi nhuận trồi sụt, thiếu ổn định; biên lãi ròng của Công ty cũng cực kỳ thấp. Thậm chí, Công ty đang ghi nhận lỗ 5,9 tỷ đồng sau 9 tháng đầu năm 2018.
Một điểm hấp dẫn khác trong đợt bán đấu giá cổ phần TMW là số lượng cổ phần lên đến 70,13% vốn điều lệ. Căn cứ điều lệ hoạt động của Công ty, cổ đông nắm giữ ít nhất 70% vốn điều lệ sẽ có quyền thông qua mọi nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông, thậm chí có quyền đề cử đủ số lượng thành viên của HĐQT.
Tính đến thời điểm 30/9/2018, ngoài Dofico đang nắm giữ 70,13% vốn điều lệ, 2 cổ đông lớn khác là Quỹ đầu tư Phát triển tỉnh Đồng Nai (6,48%) và Công ty CP Tổng công ty Tín Nghĩa (8,93%). Ngoài Dofico và Quỹ đầu tư phát triển tỉnh Đồng Nai thuộc sở hữu của Nhà nước thì Công ty CP Tổng công ty Tín Nghĩa đã được cổ phần hóa vào giữa năm 2016. Tính đến ngày 30/6/2018, cổ đông lớn của Tín Nghĩa gồm đại diện phần vốn Nhà nước do Văn phòng Tỉnh ủy Đồng Nai nắm giữ 48,06%; Tập đoàn Thành Thành Công của ông Đặng Văn Thành sở hữu 33,64%; cổ đông khác nắm giữ 18,3%.
Tỷ lệ bán vốn lớn, cùng với các BĐS đang quản lý, sử dụng có thời hạn thuê lâu dài có lẽ là cơ sở để Dofico hét giá cao cho một cổ phần của Gỗ Tân Mai.
Thế Anh
Theo Đấu thầu