Sự kiện hot
7 năm trước

Vì đâu đường Biên Hòa hủy niêm yết?

BHS hủy niêm yết để sáp nhập vào SBT sẽ tạo ra một doanh nghiệp mía đường lớn gấp đôi quy mô hiện tại của riêng SBT hay BHS.

Nguồn ảnh: TL

Ngày 30/8, toàn bộ gần 300 triệu cổ phiếu BHS của Đường Biên Hòa chính thức hủy niêm yết. Đây là động thái tất yếu sau khi phương án sáp nhập BHS vào Công ty Cổ phần Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (SBT) được thông qua.

Ai lợi?

Theo thông tin mới nhất, 2 cổ đông nổi bật của BHS hiện là Global Mind Việt Nam và Đầu tư Thành Thành Công. Global Mind Việt Nam chỉ chính thức trở thành cổ đông lớn ở BHS từ giữa tháng 4.2017. Kể từ đó, Global Mind Việt Nam liên tục mua vào, nâng sở hữu từ hơn 14,8 triệu cổ phiếu lên 54,1 triệu cổ phiếu BHS, tương đương 18,17% vốn điều lệ và trở thành cổ đông lớn nhất tại đây (8.8.2017).

Global Mind Việt Nam không phải là cái tên xa lạ. Tiền thân của Global Mind Việt Nam là Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Thương mại - Đầu tư Thuận Thiên, một công ty thuộc gia đình ông Đặng Văn Thành, có mặt trên thị trường 14 năm, hoạt động trong ngành bán buôn kim loại và quặng kim loại. Ngoài sở hữu cổ phiếu BHS, Global Mind Việt Nam còn là cổ đông lớn thứ 2 tại cả SBT lẫn Sacomreal (SCR). SBT, SCR và BHS đều nằm trong nhóm công ty con hoặc công ty liên kết với Tập đoàn Thành Thành Công (TTC Group) của ông Đặng Văn Thành.

Trong khi đó, Đầu tư Thành Thành Công, cổ đông lớn thứ 2 tại BHS, cũng là công ty trực thuộc TTC Group. TTC giới thiệu công khai trên website, đây là nhà đầu tư chuyên nghiệp của TTC Group trong các lĩnh vực bất động sản, năng lượng, mía đường, giáo dục và du lịch.

Rõ ràng, nhóm công ty cũng như cá nhân thuộc gia đình ông Đặng Văn Thành đang sở hữu lượng cổ phiếu lớn nhất và giữ quyền ảnh hưởng mạnh mẽ lên BHS. Đây cũng là nhóm được hưởng lợi nhiều nhất từ thông tin BHS sáp nhập vào SBT, từ phương án hoán đổi 1 cổ phiếu BHS lấy 1,02 cổ phiếu SBT.

Thực tế, giá cổ phiếu BHS kể từ khi xuất hiện thông tin sáp nhập đã tăng mạnh, với mức tăng gấp đôi trong 6 tháng qua. Mức giá 25.250 đồng/cổ phiếu mà BHS từng đạt được trong phiên 26.7.2017 cũng là mức cao nhất trong vòng 6 năm trở lại đây. Tuy nhiên, dù cổ phiếu BHS đã tăng giá mạnh thì giữa BHS và SBT vẫn còn một khoản chênh lệch về giá. Tính đến thời điểm này, khi thời hạn chốt danh sách hoán đổi cổ phiếu đã đến (31.8.2017), giá cổ phiếu SBT vẫn cao hơn cổ phiếu BHS khoảng 40%.

Nhưng phương án hoán đổi cổ phiếu BHS lại cho phép BHS ở “cơ trên”, gần như 1 đổi 1. Vì thế, cổ đông dù chọn bán đi cổ phiếu BHS để chốt lãi hay đợi đến bây giờ để chờ hoán đổi thì đều được lợi. Trong trường hợp cổ đông biết cách vào ra hợp lý và kết hợp nhuần nhuyễn cả 2 chọn lựa, chỉ 5-6 tháng qua, họ đã kiếm được mức lợi nhuận 140-150% hoặc cao hơn nhờ thương vụ sáp nhập BHS và SBT.

Vẽ lại ngành đường

BHS hủy niêm yết để sáp nhập vào SBT sẽ tạo ra một doanh nghiệp mía đường lớn gấp đôi quy mô hiện tại của riêng SBT hay BHS. Theo báo cáo tài chính niên độ 2015-2016, doanh thu của SBT đạt 4.028 tỉ đồng, còn BHS là 4.366 tỉ đồng. Sau sáp nhập, BHS sẽ đổi tên thành Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên Đường TTC Biên Hòa - Đồng Nai và tiếp tục theo đuổi các mục tiêu tăng trưởng, với dự tính tăng trưởng doanh thu năm 2017 là 7,3%, tăng trưởng lợi nhuận trước thuế 9,1%.

Cũng cần nói thêm, khi còn chưa chính thức về một nhà, cuối tháng 5.2017, SBT và BHS đã cùng chi ra tổng cộng 1.330 tỉ đồng mua lại Mía đường Hoàng Anh Gia Lai. Điều này cho thấy, sáp nhập chỉ là vấn đề thủ tục, còn trên thực tế, đôi bên đã có sự dàn xếp để luôn đạt mức độ đồng thuận và phối hợp nhịp nhàng. Thậm chí, từ cuối năm ngoái, một số vị trí lãnh đạo cấp cao của BHS và SBT đã được điều chuyển qua lại.

Thương vụ mua lại Mía đường Hoàng Anh Gia Lai cũng ít nhiều thể hiện tham vọng của SBT khi sáp nhập BHS. Tham vọng đó không đơn thuần chỉ để tăng quy mô lên gấp đôi, dẫn đầu thị trường hay thị phần (hiện chiếm khoảng 30% thị phần, mà nói như ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch TTC Group, “SBT muốn đạt 2 chiến lược sắp tới: hạ giá thành sản xuất và chiếm lĩnh thị trường nội địa”.

Để làm được điều đó, một mặt SBT phải tìm cách gia tăng quy mô. Quy mô càng lớn sẽ càng giúp SBT thuận lợi trong nâng cao năng lực tài chính, năng lực sản xuất, ưu thế cạnh tranh. Đây là lý do vì sao trước khi thâu tóm BHS, SBT đã thâu tóm Đường Gia Lai (SEC). Còn BHS cũng từng thâu tóm Đường Ninh Hòa (NHS) và Đường Phan Rang.

Đưa BHS về một nhà cũng cho SBT cơ hội khai thác hiệu quả hơn lợi thế của BHS. Đó là hệ thống bán hàng hoàn chỉnh, với hơn 100 doanh nghiệp sử dụng đường của BHS làm nguyên liệu và 130 nhà phân phối, đại lý, siêu thị trực tiếp bán sỉ, bán lẻ trên thị trường tiêu dùng. BHS cũng đã xuất khẩu đường sang các nước ASEAN, Trung Quốc và Iraq. BHS còn là công ty Việt Nam duy nhất sở hữu công nghệ chế biến đường của Nhật và có khả năng sản xuất chuỗi sản phẩm đa dạng (đường công nghiệp, đường ký, đường phèn, đường ăn kiêng, đường bổ sung vitamin, đường que, đường làm bánh...). Tất cả các yếu tố này cộng với thương hiệu lâu năm đã giúp BHS tuy bán đường với giá cao hơn một số đơn vị cùng ngành nhưng vẫn được khách hàng chấp nhận.

Mặt khác, ưu thế quy mô đã giúp SBT, BHS một khi hợp lại cũng đủ uy tín, tài chính để thâu tóm Công ty Mía đường Hoàng Anh Gia Lai. Từ đây, thêm sự hiện diện của nhà máy mía đường ở Lào, với công suất 7.500 tấn/ngày, với vùng nguyên liệu hơn 6.000ha ngay cạnh nhà máy, càng hứa hẹn giúp SBT tăng khả năng sản xuất, tăng diện tích trồng mía, tăng khả năng chủ động về nguyên liệu, công nghệ... Đây là những yếu tố để SBT giảm giá thành xuống thấp. Cũng cần nói thêm đường nhập khẩu của Hoàng Anh Gia Lai từ Lào đã được Bộ Tài chính cho phép áp khung thuế suất 0%.

Ông Đặng Văn Thành từng băn khoăn về việc giá đường Việt Nam cao hơn đường nhập từ Thái Lan và các nước. Nhất là theo lộ trình mở cửa hội nhập, từ năm 2018, đường Thái Lan và các nước sẽ tiếp tục ồ ạt vào Việt Nam với mức thuế thấp (chỉ 5%). Nhưng với sự chuẩn bị bằng phương án sáp nhập, SBT có vị thế tốt hơn trước làn sóng cạnh tranh ngày càng khốc liệt trong ngành.

Thủy Ngọc
Theo Nhịp Cầu Đầu Tư

Từ khóa: