Sự kiện hot
10 năm trước

Vi phạm phổ biến, xử lý còn bỏ ngỏ

Nghị định 67 quy định chi tiết về một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL) có hiệu lực đã 1 năm. Chưa có tổng kết, thống kê đầy đủ về vi phạm của hàng trăm nghìn cơ sở giải khát, tạp hóa bán thuốc lá lẻ thế nhưng chắc chắn số lượng không hề nhỏ. Nhiều chủ cửa hàng tạp hóa, giải khát còn không biết tới Nghị định nói gì đến việc tuyên truyền, xin giấy phép bán lẻ...


Các nhân viên tràn xuống lòng đường để quảng cáo, tiếp thị thuốc lá. Ảnh: H.O

Theo Khoản 3 Điều 26, Nghị định 67 quy định về điều kiện cấp giấy phép bán lẻ sản phẩm thuốc lá như sau: Thương nhân có đăng ký ngành nghề kinh doanh bán lẻ sản phẩm thuốc lá; có địa điểm kinh doanh cố định, địa chỉ rõ ràng, đảm bảo các yêu cầu về kỹ thuật, trang thiết bị theo quy định; diện tích điểm kinh doanh dành cho thuốc lá tối thiểu phải có từ 3m2 trở lên; có văn bản giới thiệu, hợp đồng mua bán của các doanh nghiệp bán buôn sản phẩm thuốc lá; phù hợp với Quy hoạch hệ thống mạng lưới mua bán sản phẩm thuốc lá được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Chiếu theo quy định này, phóng viên có cuộc khảo sát quanh khu vực trung tâm TP Hà Nội. Kết quả là rất nhiều cơ sở tạp hóa cửa hàng lẻ nằm trong diện vi phạm mà không biết. Một chủ cửa hàng tại 12 phố Bà Triệu vừa cầm bao thuốc lá Thăng Long đưa cho khách, vừa nói, không thấy và cũng không biết có quy định cấp giấy phép bán thuốc lá gì cả mà bán một vài bao thuốc, mấy chai nước lọc cho khách qua đường chứ có phải doanh nghiệp, công ty gì mà giấy phép.


Nhiều cửa hàng lẻ lách luật bày nhiều sản phẩm của một hãng thuốc lá để quảng cáo cho doanh nghiệp. Ảnh: H.O

Nhiều cửa hàng nhỏ lẻ trên các phố cổ của Hà Nội như Tạ Hiện, Lương Ngọc Quyến, Hàng Buồm... nằm san sát nhau, đa phần mặt tiền dùng chung để sinh hoạt tận dụng buôn bán, chỉ với trên dưới 10m2, chắc chắn không đáp ứng được yêu cầu: Phải có các thiết bị kiểm tra và điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm trong khu vực kinh doanh thuốc lá, phòng cháy chữa cháy khi đăng ký kinh doanh bán lẻ.. .theo Điểm D, Điều 27 về hồ sơ đề nghị cấp giấy phép mua bán thuốc lá của Nghị định.

Cũng theo Điểm D này, hồ sơ về địa điểm kinh doanh phải có địa chỉ, diện tích và mô tả khu vực kinh doanh thuốc lá; bản sao tài liệu chứng minh quyền sử dụng địa điểm kinh doanh (là sở hữu hoặc đồng sở hữu hoặc thuê sử dụng với thời gian tối thiểu là 1 năm). Thế nhưng, thực tế nhiều điểm kinh doanh bán lẻ thuốc lá tận dụng đầu ngõ, lề đường, rồi thậm chí cả người bán rong bằng làn, bằng mẹt khắp các phố Hà Nội thì việc vi phạm không có lực lượng nào quản lý nổi...


Thêm một nhân viên tiếp thị hãng thuốc lá khác quảng cáo tận tay người tiêu dùng tại quán cà phê. Ảnh: H.O

Không chỉ vi phạm các quy định của Nghị định 67, mà ngay cả các điều cấm trong Luật PCTHTL cũng được vi phạm một cách "vô tư". 

Sáng 15/8, dọc phố "cà phê" Triệu Việt Vương (Hà Nội) hàng loạt PG (nhân viên quảng cáo, tiếp thị) mặc váy ngắn, bắt mắt ngang nhiên tiếp thị các sản phẩm thuốc lá tới tay khách uống cà phê với lời lẽ ngọt ngào như: Mua một tặng một, hút thử miễn phí trải nghiệm sản phẩm mới... 

Thậm chí một số PG còn tràn xuống cả lòng đường, giơ thẳng bao thuốc lá ra để mời khách. Những hành vi này đều vi phạm Điều 9, Khoản 2, Luật PCTHTL: “Nghiêm cấm các hành vi quảng cáo, khuyến mãi thuốc lá, tiếp thị thuốc lá trực tiếp tới người tiêu dùng dưới mọi hình thức”...

Trên thực tế, có rất nhiều người nhầm lẫn cho rằng khi đã có giấy phép kinh doanh thì có thể kinh doanh tất cả các mặt hàng. Trong trường hợp một số cửa hàng tạp hóa khi đã có giấy phép kinh doanh, trong đó có các mặt hàng thuốc lá, tuy nhiên việc chưa được và chưa xin cấp phép buôn bán thuốc lá sẽ dẫn đến người bán vi phạm mà không biết.


Cửa hàng bán lẻ thuốc lá trên phố Bà Triệu, Hà Nội chưa đảm bảo các yêu cầu về nơi bán lẻ theo quy định. Ảnh: H.O

Có thể thấy, Nghị định 67 quy định chi tiết về một số điều và biện pháp thi hành Luật PCTHTL về kinh doanh thuốc lá là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, để đưa quy định thực sự đi vào cuộc sống thì trước hết công tác tuyên truyền phải được thực hiện. Không chỉ lĩnh vực buôn bán thuốc lá với hàng trăm nghìn cơ sở giải khát, tạp hóa đang bán lẻ mà còn cả đối tượng sản xuất và tiêu dùng. Bởi vậy, đến nay sau 1 năm Nghị định có hiệu lực vi phạm vẫn phổ biến nhưng quản lý, xử lý còn bỏ ngỏ.

Việc xử phạt vi phạm hành chính đối với vi phạm quy định về bán thuốc lá tại Điều 24 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP như sau: 1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi sử dụng thuốc lá khi chưa đủ 18 tuổi. 2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: a) Trưng bày quá một bao hoặc một tút hoặc một hộp của một nhãn hiệu thuốc lá; b) Bán thuốc lá không ghi nhãn, không in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá theo quy định của pháp luật...

Hữu Oanh
theo Thanh tra

Từ khóa: