Một doanh nghiệp muốn huy động nguồn vốn lớn từ công chúng, có mức giá phát hành trái phiếu doanh nghiệp cao hơn, dễ dàng tiến hành sáp nhập và mua lại (M&A), và gia tăng tính thanh khoản sẽ lựa chọn phát hành cổ phiếu ra công chúng. Nếu đây là lần đầu tiên doanh nghiệp huy động vốn bằng cách phát hành cổ phiểu, thì được gọi là IPO.
Các sàn giao dịch lớn nhất hiện tại nằm ở Mỹ (New York) và Trung Quốc (Thượng Hải, Thâm Quyến, và Hồng Kông). Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, các công ty lớn, cũng như doanh nghiệp mới thành lập có xu hướng chọn Mỹ là địa điểm IPO, như người khổng lồ thương mại điện tử của Trung Quốc Alibaba (2014), và mới đây là Sea.
Vậy tại sao các doanh nghiệp muốn IPO trên sàn giao dịch của Mỹ?
Uy tín cao hơn
Các nhà đầu tư phương Tây có nguồn lực dồi dào để đầu tư, và rất quan tâm tới các công ty của châu Á, đặc biệt là Trung Quốc. Tuy nhiên, họ cũng lo ngại về sự an toàn cho khoản đầu tư của họ. Hàng loạt các công ty ở phương Tây, như công ty CAT (Mỹ), chỉ phát hiện ra mình bị lỗ lớn sau khi mua lại các công ty của Trung Quốc vì thông tin tài chính được cung cấp trong quá trình đàm phán là không đúng.
Tương tự, nhiều nhà đầu tư cũng phải giải quyết vấn đề này khi đầu tư vào các công ty châu Á. Để có thể phân tích tiềm năng và giá trị của một công ty, họ sẽ cần các báo cáo tài chính chi tiết và chính xác. Tuy nhiên, với những tiêu chuẩn báo cáo dễ dàng tại châu Á, nhất là tại quốc gia có thị trường lớn nhất thế giới - Trung Quốc, họ từ chối đầu tư vào các công ty niêm yết trên sàn địa phương.
Thực tế, trong những năm gần đây, nhiều công ty Trung Quốc đã bị hủy niêm yết trên các sàn chứng khoán quốc tế vì những sai phạm trong kế toán.
Khi được niêm yết trên sàn giao dịch của Mỹ, các công ty sẽ nhận được dấu chấp thuận của Ủy ban Chứng khoán và sàn Giao dịch Mỹ (SEC) cho đến khi cơ quan kiểm soát này phát hiện có vấn đề xảy ra. Nhờ đó, các nhà đầu tư sẽ tin tưởng hơn khi phân tích báo cáo tài chính và tiến hành đâu tư. Điều này giúp các công ty tăng khả năng tiếp cận với những khoản đầu tư từ phương Tây, huy động được vốn và nguồn lực cần thiết để mở rộng, nghiên cứu và mua lại.
Quyền kiểm soát
Niêm yết trên sàn giao dịch Mỹ cho phép ban giám đốc duy trì kiểm soát của các công ty dù không sở hữu phần lớn cổ phiếu.
Lấy tập đoàn Alibaba (Trung Quốc) làm ví dụ. Nhà sáng lập công ty Jack Ma đầu tiên công bố rằng công ty sẽ niêm yết trên sàn chứng khoán của Hồng Kông. Tuy nhiên, Hồng Kông đặt lợi ích của các nhà đầu tư lên hàng đầu, vì vậy các nhà sáng lập của công ty sẽ không thể bảo vệ chính mình nếu gặp phải các nhà đầu tư không thân thiện.
Các nhà lãnh đạo của Alibaba muốn tự quyết định người có thể tham gia vào ban giám đốc, trong khi theo quy định của Hồng Kông, các nhà đầu tư được đối xử công bằng. Vì vậy, tiếng nói của các nhà sáng lập công ty sẽ chỉ tương đương với các nhà đầu tư khác.
Thiếu các quy định về bảo vệ các nhà sáng lập công ty và quyền của họ là một trong những lý do chính khiến Alibaba chuyển sự lựa chọn của mình sang thị trường Mỹ.
Phạm vi hoạt động
Việc niêm yết trên sàn chứng khoán của Mỹ cho phép các công ty quốc tế có phạm vi hoạt động rộng hơn khi tiến hành mua lại và sáp nhập. Sở hữu cổ phiếu niêm yết bằng đồng USD sẽ đơn giản hóa các hoạt động mua lại các công ty Mỹ trong tương lai của doanh nghiệp nước ngoài, và giảm bớt sự giám sát chặt chẽ mà những thương vụ này thường phải đối mặt.
Khi một công ty Mỹ được niêm yết muốn mua một doanh nghiệp Mỹ khác, thị trường có xu hướng không quan tâm đến thương vụ. Nhưng điều này lại hoàn toàn trái ngược khi một doanh nghiệp nước ngoài muốn mua công ty Mỹ.
Nasdaq hay Nyse?
Nasdaq và Nyse là hai sàn giao dịch điện tử lớn nhất nước Mỹ.
Sàn Nasdaq được đưa vào hoạt động từ năm 1971, nhưng khi so sánh với Nyse được thành lập vào năm 1792, thì Nasdaq vẫn chỉ được coi là một đứa trẻ.
Trong khi Nasdaq được biết đến là sàn giao dịch dành cho các công ty công nghệ, Nyse ngồi nhà của những công ty truyền thống. Được giao dịch trên sàn Nyse thường là những công ty lớn, tập trung vào phát triển chậm nhưng ổn định. Trong khi những công ty giao dịch trên sàn Nasdaq thường là các doanh nghiệp công nghệ mới khởi nghiệp và hướng đến mục tiêu tăng trưởng. Dĩ nhiên cũng có những trường hợp ngoại lệ, như việc tập đoàn Alibaba niêm yết trên sàn Nyse thay vì Nasdaq.
Các công ty chọn niêm yết trên Nyse vì muốn có úy tín, trong khi những công ty công nghệ thông tin, công nghệ sinh học và công ty vốn nhỏ khác thì ngược lại. Điều họ quan tâm duy nhất là duy trì chi phí thấp để giữ được nhiều vốn hơn, giúp công ty tiếp tục tăng trưởng.
Ngoài ra, sự khác biệt về chi phí niêm yết trên Nyse và Nasdaq hầu hết không ảnh hưởng tới doanh nghiệp. Nhưng nếu một công ty nhỏ niêm yết trên Nasdaq, thì đây là một quyết định liên quan đến hiệu quả về chi phí.
Chi phí niêm yết của một công ty phụ thuộc vào số cổ phiếu công ty muốn phát hành. Ví dụ một công ty muốn niêm yết để phát hành 75 triệu cổ phiếu. Trên sàn Nyse, họ sẽ phải trả 300.000 USD và 69.750 USD phí niêm yết/năm. Niêm yết trên sàn Nasdaq phức tạp hơn một chút, vì Nasdaq gồm 3 thị trường con là: thị trường được lựa chọn trên toàn cầu, thị trường toàn cầu và thị trường vốn. Nếu niêm yết 75 triệu cổ phiếu trên thị trường được lựa chọn trên toàn cầu hay thị trường toàn cầu, thì phí phải trả là 225.000 USD cộng với 68.500 USD phí niêm yết/năm. Còn nếu niêm yết trên thị trường vốn, phí niêm yết là 80.000 USD và 27.500 USD phí thường niên.
Như vậy, uy tín và chi phí là hai yếu tố quan trọng nhất khi một công ty quyết định niêm yết trên Nyse và Nasdaq.
Lyly Cao
Theo Kinh tế & Tiêu dùng