Thời điểm nói lời tạm biệt với thị trường Việt Nam của sàn thương mại điện tử này đánh dấu đúng 7 năm kể từ lúc Zalora bước chân vào Việt Nam và gần 3 năm từ lúc nền tảng này về với Central Group, tập đoàn bán lẻ thuộc sở hữu của gia tộc tỷ phú Thái Lan, Chirathivat.
Dừng lại vì "chưa thể đưa ra kế hoạch rõ ràng"
Nguồn tin của Zing.vn cho hay quyết định đóng cửa Robins Online được lãnh đạo của Central Group Việt Nam thông báo với nội bộ từ tháng 2. Thời điểm này, nhân viên của Robins Online bắt đầu nhận email về việc sàn thương mại điện tử này sẽ dừng hoạt động mua bán.
"Dù đã rất nỗ lực trong thời gian qua, chúng ta vẫn chưa thể đưa ra kế hoạch rõ ràng cho Robins Online trong tương lai. Vì vậy, chúng tôi đã quyết định giữ website chạy, nhưng dừng mọi hoạt động bán hàng trên website", thư của lãnh đạo Central Group gửi nhân viên viết.
Lãnh đạo tập đoàn này cũng tiết lộ với nhân viên kế hoạch xây dựng và vận hành một nền tảng trực tuyến mới cho toàn tập đoàn trong giai đoạn 2020-2021.
|
Thông báo hiển thị khi truy cập website Robins.vn từ ngày 27/3. Ảnh: Robins. |
Trong khi đó, trả lời chính thức Zing.vn, phía Central Group Việt Nam cho hay quyết định tạm dừng việc bán hàng trên nền tảng Robins Online "xuất phát từ chiến lược tái cấu trúc để thúc đẩy hơn nữa sức tăng trưởng kinh doanh của tập đoàn tại thị trường Việt Nam".
Central Group mua lại Zalora Việt Nam thông qua Nguyễn Kim từ năm 2016 và đổi tên sàn thương mại điện tử này thành thành Robins, đồng nhất với thương hiệu bán lẻ truyền thống củả tập đoàn, sau đó một năm.
Central Group là một tập đoàn đa ngành chuyên về bán lẻ có trụ sở tại Thái Lan. Tập đoàn thuộc sở hữu của gia đình tỷ phú Chirathivat, gia tộc được Forbes xếp hạng giàu thứ 2 tại Thái Lan năm 2018 với khối tài sản 21,2 tỷ USD. Tổng giám đốc hiện tại của Central Group là ông Tos Chirathivat, cháu trai của nhà sáng lập tập đoàn.
Người dùng bất ngờ và tiếc nuối
Việc sàn thương mại điện tử thời trang lớn và có thâm niên tại Việt Nam như Robins Online đóng cửa đột ngột khiến nhiều khách hàng tỏ ra bất ngờ.
"Tiếc quá. Trước hay mua ở Zalora, sau cũng mấy lần mua Robins. Giờ lại dừng, quá đỗi ngạc nhiên!", tài khoản Facebook Thủy Tiên bình luận bên dưới thông báo Robins Online dừng bán hàng từ ngày 27/3.
"Từ hồi không còn là Zalora ít vào đây xem hẳn. Giờ thì đóng luôn. Tiếc Zalora quá", tài khoản Facebook Trang Nguyen chia sẻ. "Có chút gì đó hụt hẫng. Đã mua vài lần nói chung hàng rất tốt. Hy vọng ngày nào đó sẽ mở cửa lại", một khách hàng khác của sàn thương mại điện tử này viết trên Facebook.
Bên cạnh đó, một số khách hàng tỏ ra lo lắng về phương án xử lý số tiền hiện vẫn nằm trong ví điện tử của sàn thương mại điện tử này.
Phía Robins Online khẳng định trong trường hợp có tiền trong ví điện tử, khách hàng sẽ được hoàn lại vào tài khoản ngân hàng và nhân viên chăm sóc khách hàng vẫn sẽ hoạt động để hỗ trợ.
4 tháng, 2 sàn thương mại điện tử lớn đóng cửa
Đúng 4 tháng trước ngày Robins Online dừng hoạt động mua bán, một sàn thương mại điện tử lớn khác là Vuivui.com cũng chính thức đóng cửa vào ngày 27/11. Khách hàng khi truy cập tên miền Vuivui.com sẽ được tự động chuyển sang trang web của Bách Hóa Xanh.
|
Đúng 4 tháng trước, Vuivui.com của TGDĐ cũng đóng cửa. Ảnh: Vuivui.com. |
Điểm chung của cả Vuivui.com và Robins.vn là đều được hậu thuẫn bởi các doanh nghiệp sừng sỏ trong ngành bán lẻ truyền thống là Thế Giới Di Động (TGDĐ) và Central Group.
Vuivui.com là website thương mại điện tử theo mô hình B2C (doanh nghiệp đến người tiêu dùng), được TGDĐ thành lập từ năm 2017. Từng được ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT TGDĐ, kỳ vọng có thể đạt doanh thu vượt chuỗi cửa hàng TGDĐ sau 5 năm nhưng Vuivui.com phải đóng nhiều ngành hàng rồi chính thức dừng hoạt động.
Trong khi đó, Central Group hiện là chủ sở hữu chuỗi siêu thị Big C Việt Nam sau khi chi hơn 1 tỷ USD để mua lại từ Casino Group của Pháp. Tập đoàn của gia tộc tỷ phú Chirathivat còn nắm 49% cổ phần chuỗi Điện máy Nguyễn Kim.
Tổng cộng, Central Group Việt Nam đang vận hành 36 siêu thị bán lẻ, 64 trung tâm điện máy và hàng chục cửa hàng thời trang, văn phòng phẩm, đồ gia dụng trên cả nước.
Đáng chú ý, đây không phải là lần đầu tiên một trang thương mại điện tử của Central Group Việt Nam phải đóng cửa. Trước đó, vào năm 2016, dự án thương mại điện tử Cdiscount.vn cũng dừng lại sau khi tập đoàn này thâu tóm Big C.
Miếng bánh thị trường thương mại điện tử Việt Nam dù hấp dẫn với vị trí thứ 6 trên thế giới cùng tổng doanh thu 2,26 tỷ USD và lượng khách hàng đạt gần 50 triệu người trong năm 2018, theo Statista, có vẻ như không hề "dễ nuốt".
Theo Zing