Một số ngân hàng bắt đầu tăng lãi suất huy động vàng, số khác lại ngưng huy động. Diễn biến của thị trường vàng trong các ngân hàng tỏ ra khó hiểu, khi thời hạn được phép huy động, cho vay vàng chỉ còn hơn 4 tháng nữa.
Một số ngân hàng bắt đầu tăng lãi suất huy động vàng, số khác lại ngưng huy động. Diễn biến của thị trường vàng trong các ngân hàng tỏ ra khó hiểu, khi thời hạn được phép huy động, cho vay vàng chỉ còn hơn 4 tháng nữa.
Ngân hàng (NH) Á Châu (ACB) vừa chính thức công bố huy động vàng trở lại với lãi suất các kỳ hạn 1, 2, 3 tháng là 0,8%/năm. ACB còn đảm bảo đáo hạn trước ngày 25.11.2012, ngày kết thúc thời hạn được phép huy động, cho vay vàng.
Bất ngờ và đột ngột
Theo ghi nhận, trước 18/7, nhiều khách hàng đến gửi vàng tại ACB còn không được nhận nếu dưới 1 lượng. “Hôm 16/7, tôi đến gửi 5 chỉ vàng tại ACB nhưng nhân viên giao dịch ở đây không nhận vì số lượng nhỏ, nhưng nếu gửi số lượng lớn thì họ cũng chỉ giữ hộ thôi. Nhưng không hiểu sao, giờ NH này lại tăng lãi suất huy động vàng”, chị Mai, một khách hàng gửi vàng tại ACB ngày 19/7 cho biết.
Dự báo giá vàng khó biến động, các NH bắt đầu huy động vàng trở lại để bổ sung
thanh khoản? Ảnh minh họa.
Quả thực, chỉ mới hơn 10 ngày trước, ngày 5/7, ACB thông báo tạm ngưng phát hành chứng chỉ huy động vàng có kỳ hạn, và cho biết những khoản có ngày đến hạn sau 4/7 nhưng khách hàng không đến rút, ACB sẽ chuyển sang giữ hộ vàng và không trả lãi. Ngoài ra, ACB cũng lưu ý, họ sẽ giữ hộ miễn phí vàng đến 30/7, nhưng nếu trong khoảng thời gian này mà ACB triển khai phát hành chứng chỉ huy động vàng mới, khách hàng rút một phần hoặc tất toán tài khoản giữ hộ vàng mà không mua chứng chỉ huy động vàng, ACB sẽ thu phí giữ hộ vàng. Trường hợp khách hàng mua chứng chỉ vàng sẽ được ACB tặng thêm lãi suất với điều kiện số vàng mua chứng chỉ huy động ngang bằng số vàng giữ hộ ban đầu.
Như vậy, có thể nói việc ACB đưa ra quyết định huy động vàng vào ngày 18/7 là bất ngờ và đột ngột không chỉ với khách hàng. Tuy vậy, họ cũng nhanh chóng cạnh tranh lãi suất khi đưa ra mức 0,8%, cao hơn mặt bằng chung khoảng 0,2%/năm cho các kỳ hạn 1, 2, 3 tháng
Eximbank cũng đang huy động vàng các kỳ hạn từ 1,2,3 tháng nhưng lãi suất chỉ 0,6%/năm đối với số lượng gửi dưới 10 lượng. Tuy nhiên, nếu khách hàng gửi thời gian dài hơn (từ 6 tháng trở lên), khách hàng không được nhận mức lãi suất này mà chỉ được lãi suất 0,4%/năm. Nếu gửi trên 10 lượng, Eximbank sẽ trả lãi suất 0,8%/năm cho các kỳ hạn 1, 2, 3 tháng.
Trong khi đó, một NH trước đây “khá thích vàng” và luôn huy động với lãi suất cao nhất nhì thị trường là SCB thì đã ngưng huy động vàng từ đầu tháng 6.
Khó hiểu
Diễn biến việc huy động vàng trong các NH thật khó hiểu, khi ngay cả chính NH cũng không nắm chắc kế hoạch huy động hay không huy động. Còn một số NH lại đẩy lãi suất huy động vàng tăng lên trong bối cảnh một số NH khác lại ngưng huy động. Theo tiết lộ của lãnh đạo một NH, việc chính NH cũng “không có kế hoạch” huy động vàng là do... chờ giấy của NHNN. Nếu NHNN cấp giấy cho phép thì NH thương mại mới được huy động vàng để bán, nên việc huy động hay không huy động sẽ không giống nhau giữa các NH. Thời hạn cho phép huy động vàng để bán ra với mỗi NH là khác nhau, nên ngay cả ACB hồi đầu tháng 7 cũng không biết cuối tháng 7 có được huy động vàng hay không.
Ông Nguyễn Công Tường, Phó Trưởng phòng kinh doanh Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), cho biết, sức mua bán kim loại quý đã giảm khoảng 70 – 80% so với trước. Vào thời điểm này, theo dự báo giá vàng thế giới từ nay đến cuối năm rất khó tăng. Vì thế, nếu huy động với lãi suất khoảng 1%/năm và giá vàng trong nước đang cao hơn thế giới ít nhất 1,7 triệu đồng/lượng thì NH vẫn khá hời.
“NH bán kiếm lời hoặc bán bổ sung thanh khoản thì 3 tháng nữa vẫn không có gì lo lắng, vì từ nay đến cuối năm giá thế giới khó biến động dữ dội. Sau 25/11/2012, tình hình còn tốt hơn cho các NH vì giá vàng trong nước sẽ về ngang giá thế giới, nếu giá vàng thế giới không tăng lên so với mức hiện nay thì NH càng... lãi đậm”, một chuyên gia về ngoại hối nhận xét.
Theo Datviet