Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) 2 lần tăng lãi suất kể từ đầu năm đến nay. Đáng chú ý, trái với những diễn biến trước đây, thị trường ngoại hối trong nước hầu như “án binh bất động”.
Chủ tịch FED Janet Yellen trong cuộc họp báo thông báo quyết định tăng lãi suất cơ bản, tại Washington, DC ngày 14/6. THX/ TTXVN.
Giới phân tích nhận định, nhà điều hành dường như đã “ngấm” với những tác động từ bên ngoài và đã có những phương án chủ động để ứng phó. Và cơ chế tỷ giá trung tâm cùng những diễn biến từ đầu năm đến nay đã minh chứng cho điều này.
Uỷ ban Giám sát Tài chính Quốc gia thường xuyên đưa ra những nhận định về tình hình kinh tế mỗi tháng và dự báo những tháng còn lại của năm. Trong ba tháng liên tiếp trở lại đây, cơ quan này đều có chung nhận định, tỷ giá giữa VND và USD về cơ bản không chịu tác động từ việc Fed điều chỉnh tăng lãi suất.
Trao đổi với phóng viên TTXVN, Tiến sỹ Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng cũng đã đưa ra bốn lý do lý giải cho thực tế này.
Thứ nhất, về phía quốc tế, các nền kinh tế mới nổi dường như đã chủ ý đến việc tạo ra năng lực để đối phó với những cú “shok” của kinh tế thế giới, có thể là tăng dự trữ ngoại hối hoặc cải thiện sự lành mạnh của hệ thống ngân hàng. Khả năng chống chọi rất tốt.
Thứ hai, việc Fed tăng lãi suất đều đã dự báo được về thời điểm, mức độ tăng nên hầu như các nền kinh tế đều đã sẵn sàng lường trước cho tình huống này.
Thứ ba, với Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành tỷ giá theo cơ chế tỷ giá trung tâm. Với chính sách này đương nhiên làm giảm rủi ro so với việc trước đây chỉ “neo” VND với đồng tiền duy nhất USD, còn hiện nay VND được tham chiếu với 8 đồng tiền.
Thứ tư, về cán cân cung cầu ngoại tệ của Việt Nam năm nay về cơ bản khá là ổn định. Vấn đề lớn nhất trong năm nay là nhập siêu, 5 tháng đầu năm là 2,7 tỷ USD và cuối năm có thể đạt tầm 3 – 4 tỷ USD. Cầu tăng thứ 2 của năm nay chính là cho vay ngoại tệ đang tăng so với năm ngoài.
Tỷ giá vẫn ổn định. Ảnh minh hoạ: TTXVN
Bốn tháng đầu năm cho vay ngoại tệ tăng khoảng 4,64%, trong khi đó năm ngoái cho vay ngoại tệ gần như không tăng. Về phía cung khá ổn, xuất khẩu tốt, đầu tư FDI cũng như đầu tư gián tiếp của nước ngoài ổn định.
5 tháng đầu năm nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng cả cổ phiếu và trái phiếu Việt Nam khoảng 885 triệu USD, khác hẳn so với những năm trước đây và cũng khác hẳn so với những lần trước mà Fed tăng lãi suất. “Do đó, kể cả Fed tăng lãi suất thì cũng không tạo áp lực lên tỷ giá.
Theo dự báo, đồng Việt Nam có thể mất giá trong khoảng 1-2%, mức có thể chấp nhận được và cũng nằm trong tính toán của Ngân hàng Nhà nước”, Tiến sỹ Cấn Văn Lực nói.
Ngày 14/6 Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định tăng lãi suất ngắn hạn thêm 0,25 điểm phần trăm, qua đó nâng biên độ lãi suất hiện nay lên mức 1-1,25%. Đây là lần thứ 2 trong năm 2017 Fed điều chỉnh tăng lãi suất.
Sau thông tin ngày, thị trường ngoại hối trong nước sáng 15/6 vẫn ổn định. Tỷ giá trung tâm giữa VND và USD sáng 15/6 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 22.405 đồng, giảm 3 đồng so với ngày hôm trước. Tại các ngân hàng thương mại, giá đồng bạc xanh cũng hầu như không “nhúc nhích”.
Hiện tỷ giá trung tâm đang được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 22.410 đồng, không biến động nhiều so với trước thời điểm Fed tăng lãi suất.
Tại các ngân hàng thương mại, giá đồng bạc xanh cũng ổn định trong suốt tuần qua. Vietcombank hiện đang niêm yết giá USD ở mức 22.655 – 22.725 VND/USD (mua vào – bán ra).
Đỗ Huyền
Theo BNEWS/TTXVN