Viên gout Tâm Bình trên bao bì được đăng ký là “thực phẩm bảo vệ sức khỏe" và ghi rõ “Thực phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”, nhưng trên mạng xã hội được quảng cáo có công dụng như thuốc chữa bệnh…
“Thổi phồng” công dụng của TPCN như thuốc chữa bệnh
Theo ghi nhận của phóng viên, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Dược phẩm Tâm Bình (349 Kim Mã, quận Ba Đình, TP.Hà Nội) đang vi phạm hàng loạt các quy định về quảng cáo theo Thông tư 08 /2013/TT- BYT của Bộ Y tế) và Nghị định 181/2013/NĐ-CP của Chính phủ.
Cụ thể, trên mạng xã hội Facebook, YouTube, Công ty Dược phẩm Tâm Bình lại đăng tải đầy đủ những thông tin, tác dụng, giá thành sản phẩm… nhằm quảng bá tới người dùng, nội dung quảng cáo cũng có sự khác biệt so với giới thiệu được in trên bao bì của sản phẩm.
Khi quảng cáo trên Facebook, YouTube, sản phẩm TPCN viên Gout Tâm Bình lại quảng cáo: “Tân dược không thể chữa trị bệnh gút tận gốc nhưng với các dược liệu thiên nhiên thì kỳ vọng chữa Gout triệt để từ gốc là hoàn toàn có thể. Viên gout Tâm Bình được bào chế từ 12 loại thảo dược tự nhiên có thể đẩy lùi bệnh gút hiệu quả, an toàn và không lo tác dụng phụ”.
Theo Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 hướng dẫn luật an toàn thực phẩm quy định: “Thực phẩm bảo vệ sức khỏe là những sản phẩm được dùng để bổ sung thêm vào chế độ ăn uống hàng ngày nhằm duy trì, tăng cường, cải thiện các chức năng của cơ thể con người, giảm nguy cơ mắc bệnh”.
Thế nhưng trên Facebook, YouTube, mạng xã hội, Công ty Dược phẩm Tâm Bình đã quảng cáo sản phẩm viên gout Tâm Bình có công dụng như một loại thuốc chữa bệnh, thay thế được thuốc Tây y trị bệnh gout và chữa khỏi hoàn toàn được bệnh gout.
Điều này khiến bệnh nhân tự ý điều trị, chủ quan nghĩ bệnh gút khỏi được. Kiểu quảng cáo của Công ty Tâm Bình không chỉ vi phạm quy định về quảng cáo mà còn vi phạm đạo đức nghề nghiệp.
Khoản 15, Điều 6 Luật Dược 105/2016/QH13 cũng quy định: “Cấm thông tin, quảng cáo, tiếp thị, kê đơn, tư vấn, ghi nhãn, hướng dẫn sử dụng có nội dung dùng để phòng bệnh, chữa bệnh, chẩn đoán bệnh, điều trị bệnh, giảm nhẹ bệnh, điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể người đối với sản phẩm không phải là thuốc, trừ trang thiết bị y tế”.
Trên Facebook, YouTube dược Tâm Bình lại đăng tải rất nhiều chia sẻ của khách hàng, người nổi tiếng về sản phẩm viên gout Tâm Bình
Trên Facebook, YouTube, Công ty Dược phẩm Tân Bình lại đăng tải rất nhiều chia sẻ của khách hàng, người nổi tiếng về sản phẩm viên gout Tâm Bình. Nội dung của những chia sẻ này chung một motip khách hàng bị bệnh gout nhiều năm, chỉ số acid uric cao, nhiều đau đớn, nhưng chỉ uống viên gout Tâm Bình sau 2 tháng là khỏi được bệnh gout
Bất chấp quy định của pháp luật quảng cáo chạy theo lợi nhuận
Trong hướng dẫn chuẩn đoán và điều trị các bệnh xương khớp ban hành kèm theo Quyết định số 36/QĐ-BYT ngày 25/01/2014 của Bộ Trưởng Bộ Y tế ghi rõ nguyên tắc điều trị bệnh gout ở điều 4.1 khoản 4 chuyên mục bệnh gout và tiến triển – biến chứng bệnh gút ở khoản 5:
“ Nguyên tắc điều trị chung:
Điều trị viêm khớp trong cơn gút cấp. Dự phòng tái phát cơn gout, dự phòng lắng đọng urat trong các tổ chức và dự phòng biến chứng thông qua điều trị hội chứng tăng acid uric máu”
“ Tiến triển, biến chứng: thông thường có 1-2 cơn mỗi năm, khoảng cách các cơn ngắn lại, 10-20 năm sau cơn đầu tiên, xuất hiện các tophi và bệnh khớp urat làm hạn chế vận động. Bệnh nhân chết do suy thận hay do tai biến mạch máu não”.
Điều đó có nghĩa là bệnh gút là bệnh không thể khỏi hẳn được, bệnh nhân cần được điều trị dự phòng tái phát cơn gout cấp cũng như dự phòng lắng động urat trong các tổ chức, dự phòng biến chứng bởi biến chứng của bệnh gút rất nguy hiểm, gây hạn chế vận động, thậm chí là tử vong do suy thận hoặc tai biến mạch máu não.
Kiểu quảng cáo sử dụng viên gout Tâm Bình sau 2 tháng là khỏi bệnh gout khiến bệnh nhân hiểu nhầm rằng bệnh gút khỏi hẳn được, không cần quan tâm điều trị nữa, dẫn tới những biến chứng gây nguy hiểm tới tính mạng cho bệnh nhân.
Người tiêu dùng cần cẩn trọng, cân nhắc khi xem quảng cáo
Điều 23 Nghị định số 115/2018/NĐ-CP quy định về xử lý vi phạm quy định quảng cáo, thông tin, giáo dục, truyền thông về an toàn thực phẩm nêu rõ:
1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe mà không có nội dung khuyến cáo “Thực phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”.
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi không cung cấp thông tin về an toàn thực phẩm theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi quảng cáo thực phẩm có nội dung đăng tải, dẫn, trích dẫn hoặc nêu ý kiến người bệnh mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh.
4. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Phát hành tài liệu, ấn phẩm thông tin, giáo dục, truyền thông về an toàn thực phẩm không chính xác, không đúng sự thật;
b) Đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng thông tin về an toàn thực phẩm không chính xác, không đúng sự thật.
Thế nhưng, viên gút Tâm Bình vẫn ngang nhiên vi phạm quy định, bấp chấp Bộ Y tế đã có chế tài xử phạt hành chính cụ thể. Phải chăng, với mức phạt nặng nhất cũng chỉ 50 – 70 triệu đồng khi sai phạm trong quảng cáo của Bộ Y tế, chẳng thấm tháp vào đâu so với lợi nhuận khổng lồ do quảng cáo sai lệnh mang lại?
Trước những thông tin nêu trên, để bảo vệ quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng, tránh việc quảng cáo “thổi phồng” công dụng của TPCN như thuốc chữa bệnh, vi phạm những quy định của pháp luật…, đề nghị Bộ Y tế, Cục ATTP và các cơ quan chức năng liên quan cần sớm vào cuộc kiểm tra, làm rõ.
Người tiêu dùng, hơn ai hết nên thận trọng trước những thông tin quảng cáo viên gout Tâm Bình, cân nhắc trước khi sử dụng để bảo vệ quyền lợi và sức khỏe của chính bản thân mình.
Hà Lan
Theo Công lý & Xã hội