Được sự ủy quyền của Đại sứ Lê Thanh Tùng, ngày 31/10, Tham tán Thương mại Đại sứ quán Việt Nam Hoàng Tuấn Việt đã tham dự và phát biểu tại hội thảo về "Thực trạng đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), triển vọng của các nước thành viên.",
Được sự ủy quyền của Đại sứ Lê Thanh Tùng, ngày 31/10, Tham tán Thương mại Đại sứ quán Việt Nam Hoàng Tuấn Việt đã tham dự và phát biểu tại hội thảo về "Thực trạng đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), triển vọng của các nước thành viên.",
Tham gia TPP giúp VIệt Nam thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường lớn.
(Ảnh minh họa: Thanh Vũ/TTXVN)
Hội thảo do Trung tâm nghiên cứu và giảng dạy kinh tế (CIDE) phối hợp với Bộ Kinh tế Mexico tổ chức, với sự tham gia của đại diện đại sứ quán các nước Malaysia, New Zealand, Australia, Peu và nhiều quan chức sở tại.
Phát biểu tại hội thảo, Tham tán Hoàng Tuấn Việt đã trình bày tóm tắt về quá trình hình thành TPP và tình hình đàm phán cho tới nay, sự tham gia của Việt Nam và đặc biệt là những cơ hội và thách thức đối với Việt Nam khi tham gia TPP.
Theo ông Hoàng Tuấn Việt, đầu năm 2009, Việt Nam được mời tham gia với tư cách thành viên liên kết trong ba phiên và tới tháng 10/2010, cùng với Malaysia, Việt Nam đã chính thức tham gia cơ chế này.
Cho đến nay, TPP hội tụ 11 quốc gia thành viên gồm Brunei, Canada, Chile, Mỹ, Malaysia, New Zealand, Mexico, Australia, Peru, Việt Nam và Singapore.
Đàm phán TPP bao gồm các lĩnh vực truyền thống và phi truyền thống, với tiêu chuẩn cao nhằm đảm bảo các bên cùng chia sẻ lợi ích và cùng gánh vác nghĩa vụ, có tính đến những vấn đề nhạy cảm và khó khăn riêng của từng quốc gia thành viên thông qua việc xây dựng năng lực thương mại, hỗ trợ kỹ thuật và thực thi cam kết theo một lộ trình định trước, và mục tiêu cuối cùng của TPP là tạo điều kiện cho luồng thương mại phát triển thông suốt liền mạch trong TPP, và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân.
Quá trình thành lập và tiến hành đàm phán TPP diễn ra trong bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu dẫn đến suy thoái kinh tế và biến động khó lường tại các thị trường chủ chốt, Vòng đàm phán đa phương Doha rơi vào thế bế tắc, châu Á-Thái Bình Dương tiếp tục được dự báo là khu vực phát triển năng động nhất trong thập kỷ tới và hội nhập khu vực trở thành xu hướng chính.
Đối với Việt Nam, tham gia TPP là tăng cơ hội tiếp cận thi trường quốc tế, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường lớn, mở ra khả năng thu hút vốn đầu tư nước ngoài, giúp tận dụng có hiệu quả cơ hội do quá trình tái cấu trúc cục diện khu vực và quốc tế, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế và đẩy mạnh quan hệ với các đối tác chủ chốt.
Tuy nhiên, Việt Nam cũng ý thức được những thách thức lớn đặt ra. Đó là sức ép về mở cửa thị trường, tăng sức ép cạnh tranh đối với các doanh nghiệp trong nước vì cam kết trong TPP rất sâu và rộng, thách thức về điều chỉnh hệ thống pháp luật và nguồn nhân lực của Việt Nam hiện còn hạn chế.
Cũng tại hội thảo, các Đại sứ Katrina Cooper của Australia và Cristine Bogle của New Zealand đã trình bày những thách thức và cơ hội khi hai quốc gia này tham gia TPP, cho rằng TPP thực sự thể hiện một cấp độ tham vọng cao chưa từng thấy ở một hiệp định đã ký kết trên thế giới vì mức độ mở cửa sâu rộng, với luật xuất xứ hàng hóa khá linh hoạt và hiện đại và hơn thế nữa là nó luôn được rà soát và bổ sung.
Mexico tổ chức hội thảo nói trên nhằm thu nhận kinh nghiệm của các nước đi trước, vì bắt đầu từ tháng 12/2012, Mexico và Canada mới bắt đầu tham gia đàm phán phiên đầu tiên./.
Theo Vietnam+