Sự kiện hot
khoảng 1 năm trước

Việt Nam dự kiến xuất khẩu được 230.000 tấn hồ tiêu trong năm 2022

Một trong những yếu tố tích cực trong hoạt động xuất khẩu hồ tiêu năm 2022 là nhờ Việt Nam đã ký hiệp định thương mại tự do với châu Âu (EVFTA) nên xuất khẩu hồ tiêu sang thị trường này có nhiều lợi thế về thuế suất so với các đối thủ khác như Ấn Độ, Malaysia, Sri Lanka hay Campuchia

Số liệu thống kê từ Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam (VPA), tính đến hết tháng 11 năm nay, Việt Nam xuất khẩu được hơn 212.000 tấn hồ tiêu các loại, trong đó tiêu đen đạt hơn 183.000 tấn, tiêu trắng đạt gần 28.000 tấn.

So với cùng kỳ năm trước, lượng xuất khẩu này giảm gần 15%, tương đương hơn 37.000 tấn nhưng kim ngạch xuất khẩu tăng gần 4%, tương đương 34 triệu USD.

Dự kiến cả năm 2022, Việt Nam xuất khẩu được 230.000 tấn hồ tiêu, kim ngạch đạt 970 triệu USD, tiếp tục duy trì vị trí số 1 về xuất khẩu hồ tiêu trên thế giới với hơn 40% thị phần. Tuy nhiên, với ước tính này, đây sẽ là năm thứ 5, xuất khẩu hồ tiêu vẫn ở mức dưới 1 tỷ USD.

Bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch VPA chia sẻ, một trong những yếu tố tích cực trong hoạt động xuất khẩu hồ tiêu năm 2022 là nhờ Việt Nam đã ký hiệp định thương mại tự do với châu Âu (EVFTA) nên xuất khẩu hồ tiêu sang thị trường này có nhiều lợi thế về thuế suất so với các đối thủ khác như Ấn Độ, Malaysia, Sri Lanka hay Campuchia.

Cụ thể, thuế nhập khẩu hồ tiêu xay hoặc nghiền xuất khẩu sang EU giảm từ 4% xuống còn 0%. Bên cạnh đó, ngành hồ tiêu Việt Nam cũng được đánh giá cao về năng lực chế biến với tỷ lệ hàng qua chế biến hiện chiếm khoảng 30% tổng kim ngạch xuất khẩu. 

Tuy nhiên, bà Liên cho rằng nhu cầu sử dụng hồ tiêu tại EU rất lớn nhưng các doanh nghiệp xuất khẩu chỉ mới tập trung vào một số thị trường chính như Đức, Anh, Hà Lan..., còn nhiều nước khác vẫn đang bỏ ngỏ, nhất là khu vực Đông Âu.  

Với chung quan điểm, bà Nguyễn Nhật Minh, đại diện Công ty Vietnam Insight, năm 2022, Việt Nam vẫn là nhà xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất thế giới nhưng tại Đức, nước nhập khẩu và phân phối hồ tiêu lớn nhất châu Âu thì hồ tiêu Brazil vẫn chiếm ưu thế với 43% thị phần, trong khi Việt Nam là 38%.

Các công ty của Đức chủ yếu nhập khẩu tiêu về nghiền rồi đóng gói và tái xuất với tỷ lệ lên đến khoảng 50% tổng lượng tiêu nhập khẩu.

Bà Minh cho rằng thị trường Đức và EU nói chung đang hướng đến các sản phẩm tiêu hữu cơ, chất lượng cao. Đây là điều mà các nhà xuất khẩu Việt Nam cần chú ý. Và để tiếp cận tốt hơn với thị trường, các doanh nghiệp Việt Nam cần tích cực tham gia các hội chợ quốc tế chuyên, các sự kiện trong ngành để gặp mặt trực tiếp người mua, trao đổi và xúc tiến hợp tác. 

Tại Hội thảo thúc đẩy xuất khẩu hồ tiêu và gia vị Việt Nam theo hiệp định EVFTA diễn ra này 21/12, ông Lê Việt Anh, Chánh Văn phòng VPA cho biết giá hồ tiêu giảm liên tục từ đầu năm tới nay đã tác động không nhỏ đến việc đầu tư, chăm sóc của nông dân đối với cây tiêu. Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, sâu bệnh, giá vật tư, phân thuốc, nhân công vẫn ở mức cao cũng tác động tới lợi nhuận của người trồng.

Bên cạnh đó, room tín dụng bị thắt chặt, lãi suất ngân hàng tăng cao làm cho việc kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Ảnh hưởng của xung đột Đông Âu, giá nhiên liệu tăng cao, lạm phát kinh tế toàn cầu kéo dài ảnh hưởng tới nhu cầu tiêu thụ hồ tiêu, đặc biệt là ở các nước khu vực châu Âu và Mỹ.

Riêng thị trường Trung Quốc, dù nước này đã nới lỏng chính sách Zero COVID. Tuy nhiên VPA dự kiến phải đến đầu quý II/2023, sức mua mới có thể tăng trở lại.

"Trung Quốc là một trong những thị trường nhập khẩu hồ tiêu lớn của Việt Nam. Mỗi năm nước này nhập khẩu khoảng 50.000 tấn, tương đương bình quân nhập khẩu mỗi tháng 4.000 - 5.000 tấn. Tuy nhiên, họ mới nới lỏng chính sách Zero COVID, phải đến sau Tết Nguyên đán, đầu tháng 4/2023, khi Việt Nam vào vụ thu hoạch, nguồn cung dồi dào thì họ sẽ thu mua mạnh", ông Việt Anh cho hay cho hay.

Hà My
Theo KTDU

Từ khóa: