Sự kiện hot
12 năm trước

Việt Nam không lo thiếu đường

Chính phủ cũng không đồng ý áp dụng biện pháp hỗ trợ lãi suất vay vốn cho các DN mua tạm trữ đường theo đề xuất của Bộ NN&PTNT.

Chính phủ cũng không đồng ý áp dụng biện pháp hỗ trợ lãi suất vay vốn cho các DN mua tạm trữ đường theo đề xuất của Bộ NN&PTNT.

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải không đồng ý áp dụng biện pháp hỗ trợ lãi suất vay vốn cho các doanh nghiệp mua tạm trữ đường theo đề xuất của Bộ NN&PTNT.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải giao Bộ Công Thương và Bộ Bộ NN&PTNT chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với các địa phương rà soát, nắm chắc cân đối cung cầu mặt hàng đường theo từng giai đoạn. Việc này nhằm điều hành linh hoạt việc nhập khẩu đường, tạo điều kiện tiêu thụ đường sản xuất trong nước và kiềm chế nhập siêu.

Trước đó, tháng 3-2012, Bộ NN&PTNT đã có công văn đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép một số công ty sản xuất đường vay khoảng 3.200 tỉ đồng để mua tạm trữ 200.000 tấn đường trong thời gia 3 tháng, lãi suất được hỗ trợ 100%.

Theo Bộ NN&PTNT, lãi suất ngân hàng hiện vẫn ở mức cao, vốn lưu động doanh nghiệp vẫn phải vay với lãi suất cao, nên việc lưu thông đường qua các công ty thương mại gần như không thực hiện được. Chính vì vậy, cần tạm trữ đường, bởi đến tháng 8-9, mùa cao điểm sản xuất bánh kẹo, có khả năng xảy ra thiếu đường.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Xuân Chiến, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường Trong nước (Bộ Công Thương), cho biết Bộ Công Thương không nhất trí với đề xuất thu mua tạm trữ 200.000 tấn đường với lãi suất 0% trong 3 tháng.

Bởi vì căn cứ vào lượng tồn kho đường có giảm so với cùng kỳ 2011; giá đường tháng 2 và 3 có giảm, nhưng từ tháng 4 có xu hướng tăng, khi có nhu cầu cao vào mùa hè, lượng đường tiêu thụ sẽ tăng, đặc biệt là dịp trước Trung thu, nhu cầu tiêu thụ đường sẽ cao hơn để phục vụ sản xuất bánh kẹo nên giá cũng sẽ tăng.

Đồng thời, căn cứ vào cung – cầu trong nước, vào giá bán cụ thể ở cuối tháng 4, đầu tháng 5 nên Bộ Công Thương có công văn ngày 16/5/2012 gửi Văn phòng Chính phủ về việc đề nghị Chính phủ  không hỗ trợ lãi suất cho DN mua tạm trữ đường.

Hơn nữa, “đề xuất này của Bộ Công Thương không phải là sự bất đồng quan điểm giữa Bộ Công Thương với Bộ NN&PTNT về điều hành mặt hàng đường mà các công tác điều hành đều tuân thủ đúng quy định pháp luật, trên cơ sở thực tiễn…” – ông Chiến nhấn mạnh.

Cạnh đó, theo ông Chiến, căn cứ vào tổng cung dự kiến 1.485.000 tấn, sản xuất trong nước 1.315.000 tấn và tồn kho của năm trước chuyển sang 100.000 tấn. Đồng thời, về hạn ngạch thuế quan đường, theo cam kết WTO, năm nay Việt Nam sẽ cấp 70.000 tấn, nhưng đầu năm mới cấp 30.000 tấn; số còn lại chưa cấp; lượng đường cho nhập vẫn sẵn sàng. Do đó không lo thiếu đường. “Việt Nam có đủ các biện pháp để đáp ứng đủ nhu cầu đường trong nước”- ông Chiến nhấn mạnh.

Theo VOV

Từ khóa: