Từ đầu năm đến nay đã có 341 cá thể tê giác tại các vườn quốc gia của Nam Phi bị săn trộm lấy sừng, vượt con số được coi là kỷ lục năm 2010 – 333 cá thể.
Thống kê mới được công bố cho thấy trong vòng 10 tháng qua số lượng tê giác bị giết hại ở Nam Phi đã vượt qua con số của năm 2010. Theo đó, từ đầu năm đến nay đã có 341 cá thể tê giác tại các vườn quốc gia của Nam Phi bị săn trộm lấy sừng, vượt con số được coi là kỷ lục năm 2010 – 333 cá thể. Điều trùng hợp là con số đáng lo ngại này được đưa ra gần với thời điểm loài tê giác một sừng (Rhinoceros sondaicus annamiticus) được WWF công bố tuyệt chủng tại Việt Nam.
Tại cuộc họp diễn ra hồi năm ngoái của các nước tham gia Công ước Buôn bán Quốc tế Các loài Động Thực vật Hoang dã Nguy cấp (CITES), cộng đồng quốc tế đã kết luận rằng sự gia tăng nạn săn trộm tê giác chủ yếu xuất phát từ nhu cầu ngày càng lớn về các sản phẩm sừng tê giác ở Việt Nam. Những nỗ lực thực thi pháp luật tuy đã được củng cố nhưng không đủ để bảo vệ loài này khỏi những tên săn trộm và cũng không đủ để chặn đứng nạn buôn lậu và kinh doanh sừng tê giác của các nhóm tội phạm có tổ chức.
“Gần như chẳng có gì bất ngờ khi chứng kiến cảnh chiếc sừng không còn trên cơ thể con tê giác Java cuối cùng ở Việt Nam bởi thực tế nước này đang là điểm đến lý tưởng của thị trường sừng tê giác có nguồn gốc bất minh”, Tom Milliken, điều phối viên chương trình tê giác của Mạng lưới Giám sát Buôn bán Động Thực vật Hoang dã (TRAFFIC), nhận định.
Đồng tình với ý kiến trên, Tiến sĩ A. Christy Williams, chuyên gia về tê giác của Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) – châu Á, giải thích thêm: “Chính tin đồn vô căn cứ cho rằng sừng tê giác có thể chữa khỏi căn bệnh ung thư đã kết liễu số phận cá thể tê giác Java cuối cùng tại Việt Nam”.
“Việt Nam nên noi gương Nam Phi, thẳng tay tống giam những tên săn trộm cùng những kẻ buôn lậu sừng tê giác. Để cứu loài này ra khỏi nguy cơ tuyệt chủng, các hoạt động phạm tội có tổ chức về săn bắn và buôn bán sừng tê giác giữa Nam Phi và Việt Nam cần sớm được phát hiện và ngăn chặn” (Tiến sĩ Joseph Okori, điều phối viên chương trình tê giác châu Phi của WWF). |
Không những là nơi tiêu thụ sừng tê giác lớn nhất, Việt Nam còn được coi là thị trường lớn của các sản phẩm từ hổ và các loài động vật hoang dã nguy cấp khác. Quần thể hổ ở Việt Nam hiện đang giảm tới mức báo động và có thể sẽ sớm theo chân của loài tê giác một sừng Java.
Tính đến nay, đã có 3 trong số 5 loài tê giác được Sách đỏ của Hiệp hội Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (IUCN) xếp ở mức độ cực kỳ nguy cấp (CE). Sau sự kiện tê giác Java chính thức tuyệt chủng tại Việt Nam, chúng ta chỉ còn lại vỏn vẹn chưa đầy 50 cá thể loài này tại một vườn quốc gia nhỏ ở Indonesia.
Từ đầu năm 2011 đến nay, đã có 341 cá thể tê giác ở Nam Phi bị săn trộm lấy sừng (Ảnh: Kelly Pera/Rhino & Lion Nature Preserve)
Cũng cùng là nơi nhức nhối vấn nạn săn trộm, song Nam Phi mới là điểm nóng thực sự của vấn nạn này bởi nơi đây có số lượng quần thể tê giác lớn nhất toàn cầu. Thời gian qua, các nỗ lực thực thi pháp luật của Nam Phi đã tăng lên đáng kể, bằng chứng là sự gia tăng nhanh chóng số vụ bắt giữ và kết án tù tội phạm săn trộm. Tuy nhiên, trước nhu cầu không ngừng tăng của các sản phẩm làm thuốc từ sừng tê giác tại Việt Nam và các quốc gia châu Á khác, bất chấp lệnh cấm quốc tế về buôn bán động vật hoang dã dưới Công ước CITES, nạn buôn lậu trái phép sừng tê giác từ châu Phi qua châu Á vẫn liên tục nóng.
Theo Tiến sĩ Carlos Drews, Giám đốc Chương trình Loài Toàn cầu của WWF, thì “có vẻ như khi các vườn quốc gia Nam Phi thắt chặt hơn hoạt động bảo vệ tê giác, các nhóm săn trộm đã chuyển dần mục tiêu sang các quốc gia thực thi luật pháp yếu kém hơn, bao gồm cả các nước Đông Nam Á”.
Do vậy, ông khẳng định, chính phủ của các nước có tê giác, nơi trung chuyển và điểm tiêu thụ sừng tê giác cần phải tăng cường hơn nữa nỗ lực của mình nhằm cứu loài này khỏi nguy cơ tuyệt chủng.
Phượng Trần
Theo WWF, thiennhien