Ngày 23/9, ông Phùng Mỹ Trung, chuyên gia sinh vật học, người sáng lập cổng thông tin Sinh vật rừng Việt Nam (RVN) cho biết, nhóm các nhà khoa học của Mỹ, Canada, Singapore và Việt Nam đã phát hiện một loài ễnh ương mới phân bố tại tỉnh Đồng Nai và tỉnh Gia Lai.
Ngày 23/9, ông Phùng Mỹ Trung, chuyên gia sinh vật học, người sáng lập cổng thông tin Sinh vật rừng Việt Nam (RVN) cho biết, nhóm các nhà khoa học của Mỹ, Canada, Singapore và Việt Nam đã phát hiện một loài ễnh ương mới phân bố tại tỉnh Đồng Nai và tỉnh Gia Lai.
Loài ễnh ương Đông Dương mới phát hiện ở Việt Nam. (Nguồn: vncreatures.net)
Nhóm nghiên cứu đã đặt tên loài mới này là ễnh ương Đông Dương (tên khoa học là Kaloula indochinensis), dựa theo tên vùng phân bố của loài ở khu vực Đông Dương (Indochina) gồm ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia.
Phát hiện mới về loài ễnh ương Đông Dương cũng đã được công bố trên tạp chí Herpetologica (tạp chí khoa học quốc tế chuyên về lưỡng cư và bò sát) trong tháng 9/2013.
Loài ễnh ương Đông Dương có các đặc điểm như chiều dài mút từ miệng đến lỗ huyệt khoảng từ 44-54mm ở con đực và từ 39-54mm ở con cái; đầu ngón tay phình rộng thành đĩa bám; dưới ngón chân thứ tư thường có hai củ khớp ngón; củ bàn trong khá dài; có đốm màu cam ở vùng cổ ngay phía sau mắt, vùng nách và gốc tay.
Loài ễnh ương Đông Dương khác với loài ễnh ương nâu ở chỗ có đĩa bám ở ngón tay thứ ba lớn hơn, chiều dài củ bàn trong ngắn hơn, chỉ có hai củ khớp ngón so với ba củ khớp ngón trên ngón chân thứ tư ở loài ễnh ương nâu.
Ông Phùng Mỹ Trung cho biết, đây là loài ễnh ương thứ ba ghi nhận ở Việt Nam. Trước đó các nhà khoa học cũng đã phát hiện loài ễnh ương thường và ễnh ương vạch.
Nguồn: http://www.vietnamplus.vn/Home/Viet-Nam-phat-hien-loai-enh-uong-Dong-Duong-moi/20139/217260.vnplus
Sỹ Tuyên
theo TTXVN