Sự kiện hot
10 năm trước

Việt Nam “rót vốn” đầu tư ra nước ngoài.

Dantin - Việc các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài từ lâu đã không còn là thông tin xa lạ. Tuy nhiên, dường như ít ai chú ý đến thông tin trên, và những thống kê về hiệu quả đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt công bố vẫn còn hạn chế.


Quy mô vốn đăng ký đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của Việt Nam đã tăng khá qua các thời kỳ

Chiến lược kinh doanh mới

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới hiện nay, việc đầu tư ra nước ngoài và thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam là hoạt động rất được quan tâm. Tuy nhiên, trong giai đoạn khó khăn về vốn hiện nay, thì cả hai hoạt động này cần được cân nhắc kỹ lưỡng nhằm bảo đảm một nền kinh tế an toàn và lành mạnh.

Việc lập cơ sở làm ăn tại nước ngoài sẽ giúp doanh nghiệp có điều kiện mở rộng thị trường, đồng thời có cơ hội tiếp cận khoa học công nghệ cao, học hỏi những ứng dụng trong công nghệ thông tin, kinh nghiệm quản lý, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh.

Theo thông tin từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa công bố mới đây cho hay, trong 7 tháng đầu năm 2014, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài cho 68 dự án, đầu tư sang 21 quốc gia với tổng vốn đăng ký phía Việt Nam là 894 triệu USD.

Các dự án tập trung chủ yếu vào thị trường Campuchia (chiếm 25% tổng số dự án), Myanmar (chiếm 14%); Lào (chiếm 10%); Hoa Kỳ (chiếm 13,2%). Hoạt động đầu tư trong lĩnh vực buôn bán thương mại chiếm tới 30,8% tổng số dự án và dịch vụ khác chiếm 20,5%.

Tanzania là quốc gia nhận đầu tư lớn nhất từ các doanh nghiệp Việt Nam. Mặc dù chỉ có 1 dự án vào Tanzania nhưng đã chiếm 39% tổng vốn đăng ký phía Việt Nam ra nước ngoài. Xếp thứ hai là thị trường Campuchia (chiếm 31,8% tổng vốn đăng ký phía Việt Nam ) và kế đến là Burundi (chỉ có 1 dự án chiếm 19%).

Vốn đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam ra nước ngoài chủ yếu tập trung vào lĩnh vực thông tin truyền thông (58,8%) và nông lâm nghiệp (32%).

Xu hướng đầu tư ra nước ngoài có sự gia tăng đáng kể vào những địa bàn phù hợp với định hướng đầu tư của Việt Nam như Lào, Campuchia, Myanmar... và vào những lĩnh vực chiến lược Việt Nam có kinh nghiệm như dầu khí, thủy điện, trồng cây công nghiệp, viễn thông... Hoạt động đầu tư ra nước ngoài đã tạo việc làm cho hàng nghìn lao động Việt Nam và hàng vạn lao động của nước tiếp nhận đầu tư.

Tuy nhiên liệu những đề án trên có thực sự thu được kết quả như mong muốn, trong khi hoạt động đầu tư ra nước ngoài còn nhiều hạn chế?

Vướng mắc trong đầu tư

Hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài hiện nay còn bộc lộ những hạn chế nhất định, trong đó có cả từ phía quản lý nhà nước. Chúng ta chưa tạo lập cơ sở pháp lý để cơ quan quản lý nhà nước giám sát trực tiếp tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tại nước ngoài, mà mới dừng tại khâu giám sát tiến độ dự án sau cấp phép, kết quả hoạt động dự án qua báo cáo của doanh nghiệp.

Trong khi đó, các quy định về sử dụng vốn nhà nước cũng như quy định về đầu tư trực tiếp ra nước ngoài cũng chưa có điều khoản cụ thể về việc giám sát, đánh giá dự án đầu tư trong quá trình đầu tư xây dựng cơ bản cũng như trong quá trình khai thác tài sản đầu tư vào hoạt động sản xuất kinh doanh.

Việc thực hiện chế độ báo cáo của các dự án đầu tư trực tiếp ra nước ngoài còn chưa đầy đủ, trong khi lại chưa có các chế tài xử lý việc nhà đầu tư không thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo. Do đó, công tác quản lý các dự án đầu tư trực tiếp ra nước ngoài còn gặp nhiều khó khăn.

Các cơ quan đại diện của Nhà nước ở nước ngoài như Đại sứ quán, Tổng Lãnh sự quán, cơ quan Thương vụ chưa thực sự tham gia có hiệu quả trong việc hỗ trợ xúc tiến các dự án đầu tư trực tiếp ra nước ngoài. Một số cơ quan đại diện của Việt Nam ở nhiều nước không nắm rõ được số lượng các dự án, các khó khăn thuận lợi của nhà đầu tư, trong khi đó các nhà đầu tư cũng không chủ động gặp gỡ, báo cáo tình hình hoạt động của dự án – đây là nguyên nhân căn bản làm cho các nhà đầu tư lâm vào tình cảnh đơn lẻ hoặc xung đột với nhau khi giải quyết những khó khăn khi triển khai dự án ở nước sở tại.

Các Bộ (Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương) đều đang có ý chờ Chính phủ ban hành Chiến lược “Phát triển hoạt động đầu tư ra nước ngoài” thay thế Đề án “Thúc đẩy đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài” . Do vậy, hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của Việt Nam hiện nay vẫn chủ yếu mang tính tự phát của các nhà đầu tư.

Với những khó khăn trên, hiện nay nhiều ý kiến đặt ra câu hỏi: có nên tiếp tục khuyến khích sự đầu tư của doanh nghiệp Việt ra nước ngoài, trong khi nền kinh tế trong nước còn đang khó khăn, cần tăng cường kiểm soát dòng vốn đầu tư? Tuy nhiên bên cạnh đó cũng có ý kiến cho rằng: tìm kiếm những cơ hội mới ở những thị trường mới là điều đáng khích lệ.

Dù thế nào thì việc các doanh nghiệp một khi quyết định đầu tư ra các nước cũng nên có những chiến lược đúng đắn, với những bước đi chậm mà chắc, để hoạt động này mang lại hiệu quả cao, đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế. Đồng thời, vấn đề đầu tư ra nước ngoài cần được cân nhắc và điều tiết sao cho phù hợp với điều kiện nguồn lực còn hạn chế của nước ta hiện nay.

Một số dự án lớn của DN Việt đầu tư ra nước ngoài trên 50 triệu USD:

- Dự án đầu tư mạng viễn thông tại Tanzania của Viettel (355,2 triệu USD);

- Dự án đầu tư mạng viễn thông tại Burundi của Viettel (170 triệu USD);

- Dự án trồng cao su tại Campuchia của CTCP An Đông Mia (80,4 triệu USD);

- Dự án trồng cao su tại Campuchia của CTCP Cao su Tây Ninh (64,7 triệu USD);

- Dự án trồng cao su tại Campuchia của CTCP Dầu Tiếng – Kratie (63,8 triệu USD);

- Dự án trồng cao su tại Campuchia của CTCP Tân Biên – Kampongthom (61,98 triệu USD).

Sáu dự án trên đã có số vốn đăng ký 796 triệu USD (trong tổng 894 triệu USD), chiếm 89% tổng vốn đăng ký.

Ngọc Huyền

Từ khóa: