Sự kiện hot
khoảng 1 năm trước

Việt Nam - thị trường F&B hấp dẫn đối với doanh nghiệp Singapore

Việt Nam đang là điểm đến lý tưởng cho nhà đầu tư F&B nhờ dân số đông, tầng lớp trung lưu gia tăng và xu hướng tiêu dùng nâng cao. Theo các chuyên gia, thị trường F&B Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới.

Việt Nam đang là điểm đến lý tưởng cho đầu tư lĩnh vực F&B, đặc biệt là đối với doanh nghiệp Singapore. Với dân số hơn 100 triệu người, tầng lớp trung lưu gia tăng và nền ẩm thực phong phú, Việt Nam mang lại nhiều cơ hội cho doanh nghiệp F&B trong nước và quốc tế.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/11/2023 đạt gần 28,85 tỷ USD. Trong số 70 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 11 tháng năm 2023, Singapore là nhà đầu tư lớn nhất với 3,31 tỷ USD, chiếm 20,2% tổng vốn đăng ký cấp mới.

Một trong các lĩnh vực được doanh nghiệp Singapore quan tâm và được đánh giá mang lại nhiều cơ hội mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong thời gian tới là thị trường F&B (ngành Thực phẩm và Đồ uống) tại Việt Nam.

Bà Janice Lee, Giám đốc FHA - Food & Beverage, Infoma Markets, cho biết Việt Nam được xem là một thị trường xuất khẩu tiềm năng tập trung vào các ngành công nghiệp đặc biệt là lĩnh vực ẩm thực. Sự phát triển phong phú của ẩm thực Việt Nam thu hút các thương hiệu FMCG (Fast Moving Consumer Goods - ngành hàng tiêu dùng nhanh).

“Một trong các quốc gia đang tích cực đưa thương hiệu của mình vào Việt Nam đó là Singapore. Các loại rượu cao cấp của Singapore đang ngày càng được ưa chuộng tại thị trường Việt Nam”, bà Janice Lee cho biết thêm.

Bên cạnh đó, theo bà Janice Lee, ngoài lĩnh vực ẩm thực, thị trường rượu vang tại Việt Nam cũng được kỳ vọng phát triển mạnh mẽ nhờ vào mức sống tăng cao, văn hóa rượu vang phát triển nhanh chóng cùng với sở thích của người tiêu dùng ngày càng chuyển hướng với những sự lựa chọn cao cấp hơn.

Đồng tình, bà Jovel Chan, Cố vấn F&B, Nhà sáng lập SaiGon Social, cho rằng thị trường đồ uống của Việt Nam rất khổng lồ. “Cùng với đó, Việt Nam đã chứng minh cho thế giới biết đến về một đất nước có nền ẩm thực phong phú, với nhiều nhà hàng, khách sạn đã được Michelin đánh giá”, bà Jovel Chan cho biết thêm.

Ngoài ra, theo bà Jovel Chan, những năm gần đây không chỉ những nhà hàng mà những khách sạn hàng đầu đã và đang hướng đến thị trường Việt Nam. Không chỉ dừng lại ở các thành phố như TP.HCM, Hà Nội mà nhiều khách sạn lớn mang thương hiệu quốc tế như Marriott, Hilton, Renaissance, Movenpick, Melia… đã hiện diện tại nhiều địa điểm khác như Đà Nẵng, Cam Ranh, Hội An… mang đến nhiều cơ hội hơn cho các doanh nghiệp F&B Việt Nam.

Tuy nhiên, bà Jovel Chan cũng khuyến nghị các doanh nghiệp vừa và nhỏ ngành F&B cần phải nâng cấp năng lực nội tại của doanh nghiệp từ các sản phẩm, dịch vụ và cả nhân lực.

Dưới góc độ doanh nghiệp, bà Điệp Đỗ, Brand Manager, Công ty Cổ phần Đại Tân Việt (New Viet Dairy), cho rằng doanh nghiệp Việt cần cập nhật kiến thức thường xuyên về những sản phẩm đang thịnh hành trên thế giới từ đó linh động tuỳ vào nhu cầu của bản thân doanh nghiệp để điều chỉnh sản phẩm.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp nên đảm bảo mục tiêu linh hoạt tiếp cận và tương tác với chuyên gia, đối tác khu vực, quốc tế để tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu, giao thương trong những lĩnh vực mới của ngành thực phẩm, đồ uống.

Bảo Anh 

Theo KTDU

Từ khóa: