Có thể, Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) sẽ gặp đôi chút rắc rối trong việc đưa thương hiệu tiến ra toàn cầu vì một tên miền quốc tế.
Có thể, Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) sẽ gặp đôi chút rắc rối trong việc đưa thương hiệu tiến ra toàn cầu vì một tên miền quốc tế.
Nguyên nhân nào khiến Viettel trước đây không mua "bao sân" nốt tên miền viettel.com bên cạnh hai tên miền chính thức hiện tại là viettel.com.vn và viettel.vn thì có lẽ chỉ Viettel mới biết.
Mấy ngày qua, thông tin tên miền viettel.com, đăng ký qua một trang web quốc tế, hết hạn vào 13/5/2020, người đăng ký là Nguyen Duy, địa chỉ tại California (Mỹ), đang được rao bán với giá 1,5 triệu USD, một lần nữa nhắc lại nguy cơ lợi dụng các tên miền Việt Nam cả chính thống và không chính thống từ nước ngoài.
Gần đây nhất, cuối tháng 10/2011, hai trang thông tin của Việt Nam là vozforums.com (diễn đàn chuyên về công nghệ) và diadiem.com (chuyên về bản đồ, chỉ đường) đã bị mất quyền kiểm soát, người dùng không thể truy cập.
Với trang vozforums.com, khi người dùng truy cập đã tự động bị chuyển đến một trang công nghệ khác là tinhte.vn và thông báo hai diễn đàn này sáp nhập vào nhau. Trong khi đó, tên miền diadiem.com, sau khi hacker kiểm soát đã lập tức rao bán trên chính website này và để lại liên hệ một cách cụ thể qua e-mail, đồng thời tên miền này bị chuyển ra máy chủ nước ngoài.
Phải mất gần hai tuần sau ban quản trị của các diễn đàn mới lấy lại được tên miền và hoạt động trở lại bình thường.
Hai tên miền trên hoặc những tên miền bị chiếm quyền kiểm soát trước đó dẫu sao cũng đã được đăng ký và trên thực tế là bị hacker đánh cắp, có thể đòi lại thông qua các thủ tục pháp lý. Cụ thể, chủ đại diện các tên miền này phải làm việc với các nhà cung cấp tên miền, đưa ra các bằng chứng chứng minh và thông qua các văn bản pháp lý để giải quyết tranh chấp đòi lại tên miền.
Nhưng, dù vậy, quy trình đi đòi lại tên miền bị đánh cắp cũng sẽ mất nhiều thời gian, thủ tục và một số chuyên gia công nghệ cho rằng, tỷ lệ thành công là không cao.
Nguyên nhân nào khiến Viettel trước đây không mua "bao sân" nốt tên miền viettel.com bên cạnh hai tên miền chính thức hiện tại là viettel.com.vn và viettel.vn thì có lẽ chỉ Viettel mới biết. Một vấn đề đáng lưu ý, theo ông Hồ Quốc Huệ, Giám đốc Marketing của Công ty Cổ phần Viễn thông Tin học Bưu điện (CTIN Trading), tên miền viettel.com sẽ không tác động nhiều tới Viettel cả về mặt giá trị thương hiệu lẫn hoạt động kinh doanh ở trong nước, tuy nhiên, khi Viettel đẩy mạnh phát triển thương hiệu ra toàn cầu - với nhiều thương vụ đầu tư ra nước ngoài trong vài năm trở lại đây - thì câu chuyện lại khác.
Ông Huệ phân tích, ở góc độ địa chỉ tên miền thì cách tốt nhất để quảng bá thương hiệu thông thường là tên miền quốc tế .com, vừa dễ dàng tạo ra sự nhận biết vừa đơn giản với thói quen của người dùng quốc tế. “Trên thị trường thế giới, rõ ràng là lợi thế hình ảnh của tên miền quốc tế được thể hiện tốt hơn so với tên miền trong nước”, ông nói.
Ông Trần Minh Tân, Phó giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) nói, do viettel.com là tên miền quốc tế nên nằm ngoài tầm kiểm soát của các cơ quan chức năng Việt Nam, vì thế, nếu Viettel muốn có được tên miền quốc tế trên thì theo như thông lệ phải thương lượng, hòa giải với đơn vị sở hữu hoặc, nếu không phải đưa ra tòa án quốc tế để giải quyết tranh chấp.
“Nếu Viettel đưa ra được các chứng cứ, sở cứ và chứng minh được tên miền viettel.com là của mình thì có thể đòi lại được, nhưng trên thực tế, thường những cá nhân, tổ chức nào đăng ký trước thì người ta hoàn toàn có quyền sở hữu và sử dụng”, ông Tân bình luận..
Mạnh Chung
Theo VnEconomy