Sau khi “đổ” vào MBB 1.000 tỷ đồng thì Viettel đã sở hữu khoảng 19% vốn điều lệ ngân hàng này và mức giá mà MBB phát hành cho Viettel thông qua kênh phát hành riêng lẻ thấp hơn 25% so với giá thị trường tại ngày phát hành.
Sau khi “đổ” vào MBB 1.000 tỷ đồng thì Viettel đã sở hữu khoảng 19% vốn điều lệ ngân hàng này và mức giá mà MBB phát hành cho Viettel thông qua kênh phát hành riêng lẻ thấp hơn 25% so với giá thị trường tại ngày phát hành.
Theo báo cáo từ CTCP Chứng khoán Bản Việt (VietCapital) về Ngân hàng Quân đội (mã CK trên sàn HSX: MBB), sau khi đóng góp thêm 1.000 tỷ đồng vào vốn điều lệ của MBB thì Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) đang sở hữu khoảng 19% cổ phần ngân hàng này.
Tại bản báo cáo, chuyên gia phân tích Phạm Thùy Dương cũng lưu ý, giá phát hành cho Viettel thông qua kênh phát hành riêng lẻ thấp hơn 25% so với giá thị trường tại ngày phát hành.
VietCapital đánh giá, thương vụ vừa rồi dự kiến sẽ mang lại lợi ích cho cả hai bên. Cụ thể, Viettel và MBB có thể khai thác cơ sở khách hàng lẫn nhau, đồng thời Viettel cũng sẽ hỗ trợ MBB nâng cấp hệ thống thanh toán, hệ thống ngân hàng qua điện thoại và ngân hàng trực tuyến.
Ở chiều ngược lại, MBB có thể tận dụng thị phần áp đảo của Viettel tại Lào và Campuchia để mở rộng thị trường ra quốc tế.
Sau khi phát hành cho cổ động hiện hữu và phát hành riêng lẻ cho Viettel, hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR) của MBB dự kiến đạt gần 11% từ mức 9,59% hồi cuối năm 2011.
Tỉ lệ an toàn vốn tối thiểu thường được dùng để bảo vệ những người gửi tiền trước rủi ro của ngân hàng, được tính theo tỉ lệ phần trăm của tổng vốn cấp I và vốn cấp II so với tổng tài sản đã điều chỉnh rủi ro của ngân hàng. Bằng tỉ lệ này người ta có thể xác định được khả năng của ngân hàng thanh toán các khoản nợ có thời hạn và đối mặt với các loại rủi ro khác như rủi ro tín dụng, rủi ro vận hành. Ở Việt Nam, tỉ lệ này hiện đang là 9%.
Trong khi đó, tỉ lệ cho vay so với tổng tiền gửi (LDR) trong năm nay tại MBB dự kiến vẫn vào khoảng 70%, mức này đã được duy trì trong những năm trước. Ngân hàng này cho rằng, đây là ngưỡng thanh khoản an toàn và đem lại nguồn vốn sẵn sàng khi cần thiết.
Theo Thông tư 13, việc áp tỷ lệ LDR đã được xác định là 80% và 85% (đối với ngân hàng thương mại và công ty tài chính). Sau đó, Ngân hàng Nhà nước đã sửa đổi bằng Thông tư 19 với những thay đổi đáng kể. Và cuối cùng là sự gỡ bỏ. Tuy nhiên, dự kiến, tại nội dung dự thảo Thông tư sửa đổi thì quy định và yêu cầu về tỷ lệ LDR sẽ được tái lập và giữ nguyên như trong Thông tư 13.
Ngoài ra về việc Tổng Công ty Trực thăng bán 53 triệu quyền mua cổ phiếu thì quyết định này thực theo chỉ đạo của Nhà nước và Bộ Quốc phòng không cho phép công ty tăng tỷ lệ sở hữu tại MBB. Ước tính 8,4 triệu cổ phiếu còn lại chưa phân phối sau khi phát hành cho cổ đông hiện hữu sẽ được bán cho các bên khác (không phải Viettel) với giá thấp hơn 20% giá thị trường.
Về những lo ngại về hiệu quả của hoạt động kinh doanh ngoại hối do hoạt động này gặp thua lỗ trong năm 2009, 2011 và lãi rất khiêm tốn trong năm 2010, lý do được đưa ra là MBB tập trung vào các giao dịch hoán đổi để vay VND và cho vay USD với khách hàng. Nguồn cung VND từ các giao dịch hoán đổi được xem như khoản tiền gửi tại các tổ chức tín dụng khác nhằm tạo thu nhập lãi ròng để bù đắp cho khoản lỗ trong hoạt động ngoại hối.
Trong năm 2012 này, MBB đang đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế ở mức 3.500 tỷ đồng, cao hơn tới 34% so thực hiện năm 2011. Ngân hàng này cũng đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng theo đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước đối với ngân hàng nhóm 1 là 17% trong khi tăng trưởng tiền gửi khách hàng ít nhất là 17%.
Hiện, tỷ lệ nợ xấu của MBB đang được kiểm soát dưới mức 2% (không tính khoản nợ của CTCK Thăng Long). Theo đánh giá của VietCapital thì tỷ lệ nợ xấu này phản ánh đầy đủ các tiêu chuẩn định tính và định lượng.
Theo Dan tri