Sự kiện hot
khoảng 1 năm trước

Vinaconex (VCG) báo lãi hơn 1.000 tỷ đồng trong 9 tháng kinh doanh, thành lập công ty BĐS tại Phú Thọ

Lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần của công ty là 6.699,9 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 969 tỷ đồng, lần lượt tăng 85,6% và 170,9% so với cùng kỳ năm trước, qua đó hoàn thành 43,8% kế hoạch doanh thu và 69,21% chỉ tiêu lợi nhuận đề ra tại ĐHĐCĐ thường niên hồi tháng tư vừa qua.

Tổng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, HoSE: VCG) mới đây đã công bố báo cáo tài chính quý III/2022 ghi nhận doanh thu thuần đạt  3,174 tỷ đồng, tăng 150% và lợi nhuận trước thuế hợp nhất của tổng công ty đạt 273 tỷ đồng, cao hơn 143% so với cùng kỳ.

Trong kỳ, doanh thu từ hoạt động tài chính đạt 105 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ, lợi nhuận khác lại tăng mạnh lên 49,66 tỷ đồng, cao hơn nhiều con số 1,5 tỷ đồng của quý 3/2021. Bên cạnh đó, chi phí tài chính giảm 8,44% về còn 177.8 tỷ đồng, phần lỗ trong công ty liên doanh liên kết giảm từ 36,1 tỷ đồng về còn 7,1 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng gấp 14 lần lên 34 tỷ đồng…

Lũy kế 9 tháng, Tổng công ty đạt 6,699 tỷ đồng doanh thu, tăng gần 86% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế đạt 1,011 tỷ đồng, cao gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Qua đó hoàn thành 43,8% kế hoạch doanh thu và 69,21% chỉ tiêu lợi nhuận đề ra tại ĐHĐCĐ thường niên hồi tháng tư vừa qua.

Tính đến thời điểm ngày 31/9, tổng tài sản của doanh nghiệp đạt 30,966 tỷ đồng, tương đương đầu năm. Vốn chủ sở hữu đạt 9,969 tỷ đồng, tăng 30% so với đầu kỳ. Trong đó, các khoản phải thu ngắn hạn là 10.281,5 tỷ đồng, hàng tồn kho 5.882 tỷ đồng, tài sản dở dang dài hạn 6.981,3 tỷ đồng, tài sản cố định 2.665 tỷ đồng, tiền và các khoản tương đương tiền là 911,4 tỷ đồng.

Tổng nợ của VCG ở mức 20.996 tỷ đồng, giảm 10% so với thời điểm đầu năm, bao gồm 4.916 tỷ đồng vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn và 7.904,7 tỷ đồng vay và nợ thuê tài chính dài hạn.

Hiện tại, Vinaconex đang nỗ lực tăng tốc các gói thầu thuộc dự án cao tốc Bắc – Nam, với điểm nhấn là Công trình cầu vượt hồ Yên Mỹ với chiều dài gần 1km, thuộc gói thầu XL 03, Dự án thành phần đầu tư xây dựng tuyến đường QL 45 – Nghi Sơn; các tuyến cao tốc Mai Sơn – QL45, Phan Thiết – Dầu Giây, Phan Thiết – Vĩnh Hảo, … Bên cạnh đó, các dự án do Vinaconex thi công xây dựng thuộc các lĩnh vực giao thông, xây dựng dân dụng, công nghiệp như cảng hàng không quốc tế Long Thành; cảng hàng không quốc tế Phú Bài; Dự án thủy điện Yaly mở rộng; cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2; dự án Cung thiếu nhi Hà Nội; dự án Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 2… dự kiến có nhiều chuyển động tích cực trong công tác triển khai và giải ngân cuối năm.

Mới đây, doanh nhiệp đã thông qua Nghị quyết HĐQT về phương án hành lập CTCP Đầu tư Vinaconex Việt Trì. 

Cụ thể, đơn vị này được thành lập với hình thức công ty cổ phần, địa chỉ trụ sở tại phường Thanh Miếu, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Lĩnh vực hoạt động chủ yếu là đầu tư kinh doanh bất động sản, đầu tư các dự án khu công nghiệp, xây dựng, khai thác nguyên vật liệu xây dựng...

Vốn điều lệ của đơn vị mới này trước mắt dự kiến là 20 tỷ đồng (tương đương tổng 2 triệu cổ phần). Vinaconex góp vốn với tư cách cổ đông sáng lập với số tiền 10,2 tỷ đồng, chiếm 51% tổng vốn điều lệ, toàn bộ bằng tiền mặt từ nguồn 100% vốn chủ sở hữu của Vinaconex. Thời điểm góp vốn là trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Như vậy, sau khi hoàn tất góp vốn, thành lập Vinaconex Việt Trì, đơn vị này sẽ trở thành công ty con của Vinaconex. Theo báo cáo tài chính quý III, tính đến ngày 30/9, Vinaconex có 22 công ty con (cả trực tiếp và gián tiếp), trong số các đơn vị này không công ty nào đặt trụ sở tại tỉnh Phú Thọ. Ngoài ra, Vinaconex cũng có 10 công ty liên doanh, liên kết.

Hà My
Theo KTDU

Từ khóa: