Sự kiện hot
12 năm trước

Vinalines và 'cú' giảm quy hoạch tới 32.000 tỷ đồng!

Dẫn chứng cho tình trạng dàn trải, phân tán, hiệu quả thấp, tốn kém, lãng phí, thiếu đồng bộ, ĐB Lê Văn Học nêu: “Vinalines chỉ trong vài hôm đã điều chỉnh tổng kinh phí mua tàu biển từ 100.000 tỷ xuống 68.000 tỷ - nếu làm quy hoạch như thế này chúng tôi khó tin được”.

Dẫn chứng cho tình trạng dàn trải, phân tán, hiệu quả thấp, tốn kém, lãng phí, thiếu đồng bộ, ĐB Lê Văn Học nêu: “Vinalines chỉ trong vài hôm đã điều chỉnh tổng kinh phí mua tàu biển từ 100.000 tỷ xuống 68.000 tỷ - nếu làm quy hoạch như thế này chúng tôi khó tin được”.

Thảo luận ở hội trường về Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế ngày 8/6, ĐB Lê Văn Học (Lâm Đồng) đề nghị, trong quá trình tái cơ cấu chúng ta phải triệt để khắc phục tình trạng dàn trải, phân tán, hiệu quả thấp, tốn kém, lãng phí, thiếu đồng bộ trong những năm vừa qua.


ĐBQH Lê Văn Học (Ảnh: VNN)

ĐB Học dẫn chứng, các công trình cầu, đường bộ về giao thông, xuất đầu tư đường bộ cao tốc ở Việt Nam đang cao hơn rất nhiều so với các nước khác từ 1,5 - 2 lần.

Cụ thể, xây dựng đường cao tốc ở Trung Quốc khoảng 6 triệu USD/km, ở Mỹ 8 triệu USD/km, ở Việt Nam đường Láng - Hòa Lạc 30km sử dụng khoảng 7.500 tỷ, tức là 250 tỷ/km và khoảng 12 triệu USD/km.

Đường Hồ Chí Minh - Trung Lương 4 làn xe 9,9 triệu USD/km. Đường Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây dự toán là 18,3 triệu USD/km trừ kinh phí xây dựng cầu và đền bù giải phóng mặt bằng vẫn còn 13 triệu USD/km. Đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đang thi công 100 km dự kiến gần 2 tỷ USD, tức là xấp xỉ 20 triệu USD/km.

Tiếp tục chứng minh cho sự dàn trải, tốn kém, hiệu quả thấp, ĐB Học đưa ví dụ của ngành công nghiệp tàu thủy và hàng hải, trong những năm vừa qua đã đầu tư dàn trải không đúng mục tiêu gây thất thoát tài sản và vốn rất nhiều.

“Theo quy hoạch đã được phê duyệt, ngành tàu biển trong giai đoạn năm 2011 - 2020 sẽ mua và đóng mới khoảng 160 con tàu, dự toán 100.000 tỷ, sau khi báo chí nêu, các nhà khoa học phản biện, Vinaline lại điều chỉnh tổng kinh phí xuống 68.000 tỷ, chỉ trong vài hôm quy hoạch đã được thay đổi và giảm 32.000 tỷ, nếu làm quy hoạch như thế này chúng tôi khó tin được!” – ĐB Học nói.

ĐB Lê Văn Học thẳng thắn: "Phải kiểm soát chặt chẽ việc đầu tư sao cho tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí và dàn trải, thận trọng để không phải nơi chúng ta thử nghiệm các kỷ lục mới và các công nghệ mới trong xây dựng, đặc biệt là trong xây dựng cơ bản, trong công nghệ rất tốn kém và rủi ro".

ĐB Trương Văn Vở (Đồng Nai) cũng đề nghị tiến hành tổng kết thí điểm thành lập các tập đoàn kinh tế Nhà nước thời gian qua, qua đó hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tổ chức, về mô hình hoạt động, đặc biệt là tái cấu trúc quản trị doanh nghiệp các tập đoàn kinh tế Nhà nước.

“Từ đó xác định lộ trình cụ thể để xử lý có kết quả việc thoái vốn đầu tư ra ngoài, nhiệm vụ chính của các tập đoàn kinh tế Nhà nước và doanh nghiệp Nhà nước, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động phòng, chống có hiệu quả tiêu cực, sai phạm. Đây là vấn đề lớn mà dư luận và nhân dân đang bức xúc, quan tâm” – ĐB Vở nói.

ĐB này cũng đề nghị Chính phủ giao bộ, ngành liên quan giải trình, làm rõ trách nhiệm quản lý Nhà nước tại kỳ họp này liên quan đến sai phạm về quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước như Tập đoàn dầu khí, Tổng công ty hàng hải Vinalines. 

Theo ĐB Vở, cần kiên quyết đổi mới tổ chức, bộ máy quản lý Nhà nước các cấp, các ngành từ Trung ương đến cơ sở, không để lợi ích nhóm chi phối. Bởi lẽ đây là nguyên nhân của mọi nguyên nhân làm cản trở trong tổ chức thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế.

Góp ý xây dựng cho đề án, ĐB Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang) đề nghị Quốc hội, Chính phủ nghiên cứu thành lập Ủy ban độc lập về tái cơ cấu nền kinh tế, cần trao cho cơ quan này những quyền hạn đặc biệt về tái cơ cấu nền kinh tế. Có như vậy, việc tái cơ cấu nền kinh tế mới triển khai nhanh và thống nhất.

Ở góc độ khác, ĐB Nguyễn Tấn Tuân (Khánh Hòa) phân tích, tái cấu trúc các ngành kinh tế như thế nào là hợp lý, tránh tư duy nhiệm kỳ, tránh chúng ta quá lo lắng với mục tiêu đến năm 2020 sẽ thành một nước cơ bản công nghiệp mà quên hoặc ít quan tâm đến các lĩnh vực khác như kinh tế nông nghiệp, lâm nghiệp, kinh tế biển.

“Vấn đề này Quốc hội đã thảo luận rất nhiều trong chính sách đầu tư công cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân, chúng ta xem đây là hậu phương vững chắc, nhất là trong tình hình khủng hoảng kinh tế hiện nay. Vừa rồi chính sách đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn còn rất dàn trải, mang lại hiệu quả không cao” – ĐB Tuân nêu.

Còn ĐB Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) cho rằng, không nên quá kỳ vọng rằng đề án này sẽ đưa ra giải pháp tối ưu để giúp nền kinh tế vượt qua ngay khó khăn mà giai đoạn đầu trên hết phải nhắm tới mục tiêu khắc phục càng sớm, càng tốt những yếu kém, tồn tại của nền kinh tế, phải lấy lại được thế ổn định cho kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, từ đó làm cơ sở tiếp tục thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia hàng năm, mục tiêu thiên niên kỷ.

Kiều Minh
theo VTC News

Từ khóa: