Sự kiện hot
5 năm trước

Vinatea: Năm 2018 tập trung phát triển chè thương hiệu

Chiều 15/5, tại Hà Nội, Tổng Công ty chè Việt Nam - CTCP (Vinatea) đã tổ chức Đại hội đồng Cổ đông thường niên năm 2018.

Kết quả kinh doanh 2017 tương đối khả quan

Theo Báo cáo tại Đại hội, năm 2017, doanh thu hợp nhất của Vinatea đạt trên 495 tỷ đồng, tăng 50,7% so với năm 2016. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt trên 13,1 tỷ đồng. Xuất khẩu đạt trên 10.000 tấn, trong đó xuất khẩu trực tiếp đạt gần 2.700 tấn.

Về nội tiêu, ngoài các dòng sản phẩm đã hiện diện và ngày càng được ưa chuộng bởi người tiêu dùng như: trà nhài, trà ngủ ngon, trà xanh Thái Nguyên, bạch trà, trà Oolong…, Vinatea hiện vẫn đang tiếp tục nghiên cứu, thử nghiệm nhằm đưa ra các sản phẩm mới, phù hơp với thị hiếu và nhu cầu thị trường.

  Quang cảnh Đại hội đồng Cổ đông 2018 của Vinatea
Quang cảnh Đại hội đồng Cổ đông 2018 của Vinatea

Theo ông Lại Cao Lê, Chủ tịch HĐQT Vinatea, kết quả khả quan này xuất phát từ quá trình tái cơ cấu mạnh mẽ các đơn vị thành viên, cũng như việc giữ vững và phát triển hoạt động xuất khẩu trà thô. Bên cạnh đó, nỗ lực gây dựng mảng kinh doanh trà thương hiệu cũng góp phần lớn vào kết quả kinh doanh khả quan của Vinatea trong năm qua.

Tuy nhiên, mặc dù doanh thu 2017 tăng trưởng tốt, việc công ty chủ động thực hiện dự phòng cho các tài sản không cốt lõi và trích lập dự phòng hàng tồn kho nhận được từ giai đoạn trước cổ phần hóa nên lợi nhuận sau thuế hợp nhất lại giảm 115%.

  Biểu quyết tại Đại hội
Quang cảnh Đại hội đồng Cổ đông 2018 của Vinatea

Bên cạnh đó, theo ông La Mạnh Tiến, Tổng Giám đốc Vinatea, do việc triển khai ban đầu cho các sản phẩm trà thương hiệu (makerting, phát triển thị trường…) tương đối lớn, nên các sản phẩm này hiện chưa ghi nhận lợi nhuận.

Trong năm 2018 tới, Vinatea phấn đấu sản lượng thu mua búp tươi đạt 11.000 tấn, giá chè búp tươi trung bình thu mua không thấp hơn năm 2017. Doanh nghiệp cũng phấn đấu lợi nhuận trước thuế đạt 9,3 tỷ đồng, tăng hiện diện các sản phẩm chè thương hiệu trên thị trường, đẩy mạnh hoạt động makerting, tăng doanh thu và đạt dần tới điểm hóa vốn đối với dòng sản phẩm này.

Ngoài ra, Vinatea quyết tâm hoàn thành việc quyết toán vốn nhà nước sau cổ phần hóa tại doanh nghiệp trong Quý II/2018, nhằm tạo thuận lợi tốt nhất cho phát triển, kinh doanh, đạt chỉ tiêu tài chính và kinh doanh trong năm 2018.

“Dự kiến, trong năm 2018 tới, khi các hoạt động xử lý tồn đọng xong xuôi, lợi nhuận từ kinh doanh trà sẽ tăng trưởng tốt” - ông Tiến nói.

“Thay da đổi thịt” từ khi cổ phần hóa

Ông Lại Cao Lê cho biết, sau hơn 2 năm tập trung tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình và phương thức hoạt động, đến nay doanh nghiệp chè lớn nhất cả nước đã có những chuyển biến rõ rệt cả trong công tác tổ chức và kết quả hoạt động kinh doanh.

Theo đó, mô hình tổ chức được tinh giản, gọn nhẹ, gắn quyền lợi và trách nhiệm đối với từng vị trí công tác, làm đòn bẩy thúc đẩy các hoạt động kinh doanh.

  Ông Lại Cao Lê Chủ tịch HĐQT Vinatea chúc mừng ông Nguyễn Hồng Anh được bầu giữ chức vụ Thành viên HĐQT Vinatea
Quang cảnh Đại hội đồng Cổ đông 2018 của Vinatea

Doanh thu tăng trưởng qua các năm, từ 182 tỷ đồng (năm 2015) đã lên đến 495 tỷ đồng (năm 2017), tăng 160%. Sản lượng sản xuất bán hàng hợp nhất từ hơn 3.000 tấn/ năm khi trước cổ phần hóa, hiện đã lên đến trên 10.000 tấn/ năm. Sản lượng chè búp tươi tăng 11%, với nhiều vùng nguyên liệu tốt từ Mộc Châu, Thái Nguyên.

Các sản phẩm hàng hóa chế biến ngày càng đa dạng, phong phú đáp ứng nhu cầu thị trường. Chất lượng ngày càng được nâng cao, đáp ứng tiêu chuẩn trong nước và quốc tế. Cụ thể, 100% sản phẩm chè xanh đạt tiêu chuẩn VietGap, 100% sản phẩm chè đen đạt tiêu chuẩn RA (tức Rainforest Alliance – các tiêu chí bảo tồn đa dạng sinh học và đảm bảo sinh kế bền vững bằng cách chuyển đổi tập quán sử dụng đất, tập quán kinh doanh và hành vi của người tiêu dùng, theo tiêu chuẩn mạng lưới nông nghiệp bền vững SAN 2017).

  Các dòng sản phẩm trà thương hiệu của Vinatea
Quang cảnh Đại hội đồng Cổ đông 2018 của Vinatea

Bên cạnh đó, công ty cũng đã phát triển thị trường chè thương hiệu, ra mắt nhận diện thương hiệu mới và bước đầu được thị trường đón nhận. Hệ thống bán hàng cũng phát triển đồng thời tăng nhận diện thương mại.

Ông Lại Cao Lê chia sẻ, “Với trách nhiệm của mình, thời gian qua, sau khi tiến hành cổ phần hóa, Vinatea đã đầu tư tổng lực về ngân sách, đội ngũ, công sức và chuyên môn cho cuộc tái thiết tất cả vùng nguyên liệu. Để có trà sạch thực sự, phải thay đổi từ cốt lõi là tư duy canh tác và phải tiến hành những cuộc cải tổ cụ thể từ làm sạch đất, cải thiện giống trà, thiết lập quy trình chuẩn mực về chăm sóc, thu hoạch trà, quy chuẩn về chế biến”.

Thời gian tới, Vinatea tiếp tục tập trung vào tăng cường chất lượng, gia tăng tỷ trọng doanh thu xuất khẩu trà thô sang các thị trường khó tính hoặc đem lại biên lợi nhuận cao, như: Mỹ, Nga, Đài Loan… không qua thương lái trung gian mà xuất khẩu trực tiếp hoặc gián tiếp cho nhà sản xuất.

Ngoài ra, việc đầu tư phát triển các loại trà thương hiệu cũng sẽ được chú trọng, để “các sản phẩm này phải đến được tay người tiêu dùng, và người tiêu dùng nhắc đến nó là nhắc đến Vinatea” - theo lời ông La Mạnh Tiến.

Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018 của Vinatea đã đồng ý miễn nhiệm chức danh thành viên HĐQT Vinatea nhiệm kỳ 2016 - 2020 đối với ông La Mạnh Tiến - Tổng Giám đốc Vinatea, và bầu ông Nguyễn Hồng Anh thay thế.

Ông Nguyễn Hồng Anh hiện là Thành viên HĐQT GTNFoods, Tổng Giám đốc Tổng Công ty chăn nuôi Việt Nam - CTCP (Vilico).

Mai Quỳnh - Huy Pham
Theo Báo Đời sống & Tiêu dùng

Từ khóa: