Dệt may Liên Phương được thành lập từ năm 1960, giai đoạn 2013 - 2019, Công ty tái cơ cấu sản xuất, địa chỉ tại số 18 Tăng Nhơn Phú, phường Phước Long B, TP. Thủ Đức, TP.HCM với ngành nghề chính là sản xuất vải dệt thoi.
Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex, mã chứng khoán VGT - UPCoM) vừa thông qua Nghị quyết về phương án thoái vốn tại đơn vị thành viên.
Cụ thể, doanh nghiệp dự kiến sẽ thoái vốn 4,5 triệu cổ phiếu, tương ứng 19,15% vốn điều lệ tại CTCP Dệt may Liên Phương với giá khởi điểm 19.800 đồng/cổ phiếu, thời gian dự kiến từ quý III/2022.
CTCP Dệt may Liên Phương bao gồm 2 nhà máy là Nhà máy may veston VITC Garment với công suất 600.000 bộ/năm và Nhà máy sản xuất vải len với công suất 6 triệu m/năm.
Doanh nghiệp được thành lập từ năm 1960, giai đoạn 2013 - 2019, Công ty tái cơ cấu sản xuất, địa chỉ tại số 18 Tăng Nhơn Phú, phường Phước Long B, TP. Thủ Đức, TP.HCM với ngành nghề chính là sản xuất vải dệt thoi.
Về tình hình kinh doanh tại Vinatex, trong quý I/2022, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu hợp nhất của Vinatex trong quý I đạt 5.152,46 tỷ đồng bằng 144,2% so với cùng kỳ, đạt 28,5% kế hoạch năm 2022.
Lợi nhuận trước thuế đạt 376,7 tỷ đồng, bằng 173,9% so với quý 1/2021, bằng 39,6% kế hoạch năm. Trong đó có sự tăng trưởng mạnh của cả ngành sợi và ngành may. Cụ thể ngành sợi tăng 139% và ngành may tăng 167% so với cùng kỳ.
Theo ông Cao Hữu Hiếu, Tổng Giám đốc Vinatex, hai ngành sợi và may có sự tăng trưởng cao trong quý 1/2022 so với cùng kỳ là do tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát tốt, trong khi các đơn hàng đã được ký từ năm 2021.
Với ngành sợi, các đơn vị vẫn tận dụng tốt cơ hội từ thị trường, giá bông tốt vì có sự tích trữ từ năm 2021. Ông Nguyễn Đức Trị, Phó Tổng giám đốc Vinatex, thông tin hiện ngành sợi đã hoàn thành được 63% kế hoạch năm. Tuy nhiên hiện nay giá bông hiện đang cao hơn giá bán sợi gây ra không ít khó khăn cho các đơn vị.
Còn với ngành may, tình hình lao động ổn định do dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát, đơn hàng đầy tải, thậm chí có nhiều đơn vị đã ký kết đơn hàng đến quý 3/2022.
Ông Lê Mạc Thuấn, Phó Tổng Giám đốc Vinatex, chia sẻ năm 2021 ngành may khu vực phía Nam gặp không ít khó khăn, trong đó khó khăn lớn nhất là sự chuyển dịch nguồn lao động tại các khu vực sản xuất công nghiệp lớn về các địa phương.
Tuy nhiên tới đầu năm 2022, khi dịch bệnh được kiểm soát, lao động quay trở lại làm việc, tăng trưởng của ngành may đã quay lại thời điểm năm 2019 – khi chưa xảy ra dịch bệnh.
Theo thống kê, doanh thu trung bình của các đơn vị trong hệ thống ngành may của Vinatex tại khu vực phía Nam đều tăng trung bình 1,2 – 1,5 lần, đặc biệt có đơn vị tăng tới 2 lần doanh thu so với cùng kỳ.
Hồ Quân
Theo KTDU