Những ngày gần đây, thời tiết oi bức và nắng nóng liên tục khiến khu vực hồ Đài Lải, thuộc thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc đã trở thành điểm du lịch nghỉ mát thu hút rất nhiều du khách.
Du khách vui chơi tại Đại Lải. (Ảnh: Trọng Lịch/Vietnam+)
Du khách đến khu vực hồ Đại Lải chủ yếu là khách từ Vĩnh Phúc, Hà Nội... đến nghỉ trong ngày để tận hưởng làn gió mát từ hồ, ngâm mình trong làn nước trong xanh của hồ Đại Lải, đặc biệt là được chiêm ngưỡng cảnh quan với một không gian rộng lớn hàng chục ngàn ha là núi đồi trùng điệp ngút ngàn cây xanh, bao quanh hồ.
Theo các nhân viên quản lý du lịch tại hồ Đại Lải, những ngày nắng nóng gần đây, mỗi ngày khu vực hồ Đại Lải có trên dưới 10.000 du khách đến vui chơi, nghỉ mát, đông gấp 5 đến 7 lần so với các ngày thường.
Ông Khổng Sơn Trường, Bí thư Thị ủy Phúc Yên cho biết để đảm bảo an toàn cho du khách, thị xã Phúc Yên đã yêu cầu các ngành chức năng tăng cường cán bộ, nhân viên đảm bảo an ninh trật tự, hướng dẫn cho du khách bơi lội, tắm hồ ở phạm vi an toàn; hướng dẫn, chỉ dẫn cho khách dạo bộ hoặc tìm đến các dịch vụ vui chơi, giải trí. Yêu cầu các cơ sở kinh doanh ăn uống ven hồ thực hiện tốt công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng kinh doanh và dịch vụ để đáp ứng nhu cầu sử dụng hàng hóa, dịch vụ ngày càng cao của khách hàng.
Thị xã nghiêm cấm các cơ sở kinh doanh buôn bán hàng hóa, dịch vụ theo kiểu chộp giật, "chặt, chém" du khách. Tạo cơ hội thuận lợi cho người dân, các cơ sở kinh doanh lành mạnh để du khách có quyền lựa chọn nơi ăn, nghỉ, sử dụng hàng hóa, dịch vụ, phù hợp theo nhu cầu và điều kiện của mỗi người.
Hồ Đại Lải rộng hơn 500ha, xưa kia vùng hồ là một thung lũng cằn cỗi nằm giữa một bên là dải núi Thằn Lằn, một bên là các đồi trọc trải dần ra từ phía chân dãy Tam Đảo. Mùa mưa lũ, nước ở các con suối chảy dồn về như thác, đồng thời lại rút đi rất nhanh, bào mòn lớp đất canh tác, làm cho đồng ruộng bị xói mòn, đất đai bạc màu vì khô cằn.
Vì vậy, Nhà nước đã giao các ngành chức năng nghiên cứu, xây dựng hồ chứa nước Đại Lải với nhiệm vụ chủ yếu là phục vụ tưới tiêu cho các địa phương lân cận. Công trình được khởi công vào năm 1959, đến năm 1963 cơ bản hoàn thành, lòng hồ rộng lớn có diện tích mặt nước thiết kế lớn nhất 525ha, chứa 26,4 triệu m3 nước, mực nước hồ có thể lên cao tới cốt 21m.
Vào mùa mưa, nước từ các con sông, suối phía Nam của dãy núi Tam Đảo như sông Vực Tuyền, sông Tôn, sông Bá Hạ, suối Đồng Câu, Đồng Chão... dồn chảy vào lòng hồ. Nguồn nước sông, suối được giữ lại, điều tiết ở mực an toàn cho bờ đập và cung cấp tưới tiêu cho nông nghiệp mùa khô hạn.
Nước bổ sung vào hồ chủ yếu là từ các trận mưa lớn cuối mùa Hè và mùa Thu và từ các khe suối chảy ra nên rất trong mát, khiến hồ Đại Lải trở thành một điểm đến lý tưởng cho du khách trong những ngày nóng bức.
Nguyễn Trọng Lịch
theo Vietnam+