Sự kiện hot
6 năm trước

Vĩnh Phúc: Siết chặt công tác quản lý thị trường dịp cuối năm

Để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, ổn định thị trường, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan, triển khai nhiều biện pháp nhằm tăng cường kiểm soát thị trường dịp cuối năm.

Theo báo cáo Chi cục Quản lý thị trường tỉnh, tính đến tháng 11/2018, Chi cục đã kiểm tra 1.323 lượt vụ, xử lý 467 vụ và phạt vi phạm hành chính hơn 1,2 tỷ đồng. Trong đó, tình hình vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu nhìn chung vẫn diễn ra nhưng mức độ, quy mô không lớn.

Ông Lê Hùng, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Quản lý thị trường Vĩnh Phúc (bên phải)
Ông Lê Hùng, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Quản lý thị trường Vĩnh Phúc (bên phải)

Phương thức thủ đoạn vi phạm chủ yếu là chia nhỏ hàng hóa để vận chuyển, gửi hàng hóa qua phương tiện xe khách, xe mô tô, sử dụng hóa đơn chứng từ thu gom hàng của cư dân biên giới, quay vòng hóa đơn, chứng từ để vận chuyển hàng nhập lậu.

Hoạt động sản xuất, buôn bán hàng giả tuy có xu hướng giảm nhưng vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ tái diễn trở lại. Riêng tháng 11 vừa qua, lực lượng Quản lý thị trường và Công an tỉnh đã phối hợp kiểm tra 1 vụ việc buôn bán hàng giả, tạm giữ 940 cây ống nhựa PVC nhãn hiệu Tiền Phong có dấu hiệu hàng giả, hàng nhái của công ty Cổ phần nhựa thiếu niên Tiền Phong, trị giá hàng hóa vi phạm ước khoảng 150 triệu đồng…

Ông Lê Hùng - Phó Chi cục trưởng, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: “Trong tháng cuối năm 2018, các lực lượng chức năng tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các kế hoạch, văn bản chỉ đạo về tăng cường kiểm tra, kiểm soát chống vận chuyển và kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu thương mại như vật liệu nổ, pháo nổ, pháo hoa, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền,… Tăng cường công tác kiểm tra an toàn thực phẩm đặc biệt tập trung vào khu vực các chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại, kho chứa hàng đông lạnh, các bếp ăn tập thể ở khu công nghiệp. Đồng thời, kiểm tra các biểu hiện hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá trái pháp luật; công bố chất lượng hàng hóa, ghi nhãn của hàng hóa; kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về giá, niêm yết giá, bán theo giá niêm yết”.

Tuyết Nhung
Theo Báo Đời sống & Tiêu dùng

Từ khóa: