Tỷ lệ giao dịch thanh toán điện tử trong nửa đầu năm nay của cả nước đã tăng 38% so với cùng kỳ năm ngoái và tình hình cho thấy người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng thử các phương thức thanh toán mới, thay cho tiền mặt, theo Visa.
Ông Sean Preston chia sẻ thông tin về thanh toán điện tử với báo chí tại TPHCM - Ảnh: Hùng Lê
Ông Sean Preston, Giám đốc tại Việt Nam, Campuchia, Lào của Visa, công ty công nghệ thanh toán, đã chia sẻ với báo chí thông tin trên tại buổi gặp ngày 27-9 ở TPHCM. Theo ông, các dữ liệu cho thấy thanh toán điện tử đang tăng nhanh và tiếp tục được nhiều người tiêu dùng Việt Nam lựa chọn.
Cụ thể số liệu giao dịch qua thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ của Visa tăng lần lượt là 49% và 34% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, tổng giá trị giao dịch tăng 35%. Và ngày càng nhiều người tiêu dùng trong nước tham gia mua sắm trực tuyến, khi giao dịch thương mai điện tử của Visa tăng đến 82% về số lượng và 45% về giá trị giao dịch.
Ông Preston cho biết, khảo sát của Visa với những người từ 18 tuổi trở lên ở các thành phố lớn cho thấy họ cũng thể hiện thái độ cởi mở với các phương thức thanh toán mới. Khảo sát của Visa cho thấy 9 trên 10 người tiêu dùng sẵn sàng thử các phương thức thanh toán mới, với 88% nói rằng họ có thể sẽ sử dụng điện thoại thông minh (smartphone) để thanh toán.
Kết quả khảo sát của Visa về thái độ thanh toán của người tiêu dùng tiếp tục cho thấy xu hướng “quay lưng” với tiền mặt. 83% người tiêu dùng Việt cho biết họ sẽ chọn thanh toán không tiếp xúc (nếu có) thay cho tiền mặt.
Đầu năm nay, Visa đã hợp tác với Sacombank để ra mắt công nghệ thanh toán không tiếp xúc Visa payWave ở Việt Nam. Visa payWave cho phép chủ thẻ thanh toán đơn giản bằng cách chạm thẻ vào thiết bị chấp nhận thẻ, không cần ký tên hay nhập mã pin trong trường hợp giao dịch dưới 1 triệu đồng. Công nghệ này đã được áp dụng tại các chuỗi bán lẻ bao gồm BigC, Citimart, Nguyễn Kim và sẽ được triển khai trong thời gian tới ở các siêu thị khác của Saigon Co.op.
Cùng với Visa payWave, các công nghệ thanh toán di động sắp ra mắt như Samsung Pay và mVisa được xem là phương tiện mang đến cho người tiêu dùng những phương thức thanh toán nhanh chóng, an toàn và tiện lợi hơn so với tiền mặt, ông Preston nhận định.
Tính đến tháng 6-2017, Việt Nam có khoảng 120 triệu thuê bao di động, được cho là rất thuận lợi để nhà cung cấp dịch vụ thanh toán di động như Samsung Pay hoạt động.
Thị trường thanh toán điện tử tại Việt Nam được đánh giá rất tiềm năng. Theo số liệu của Hội thẻ ngân hàng Việt Nam, tính đến cuối năm 2016, toàn thị trường có 53 tổ chức tham gia phát hành thẻ, với tổng số lượng thể phát hành đạt hơn 104 triệu thẻ các loại và dự kiến sẽ tiếp tục phát triển mạnh trong thời gian tới.
Hồi đầu năm nay, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 10%.
Hùng Lê
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn