Sự kiện hot
13 năm trước

VMG: Lãnh đạo cù nhầy, nhà đầu tư thiệt hại

Một nhóm cổ đông của CTCP Thương mại và Dịch vụ dầu khí Vũng Tàu (VMG) đã khởi kiện lãnh đạo VMG. Sự việc vẫn đang treo sau 3 lần hòa giải bất thành tại Tòa án Nhân dân Bà Rịa - Vũng Tàu.

Một nhóm cổ đông của CTCP Thương mại và Dịch vụ dầu khí Vũng Tàu (VMG) đã khởi kiện lãnh đạo VMG. Sự việc vẫn đang treo sau 3 lần hòa giải bất thành tại Tòa án Nhân dân Bà Rịa - Vũng Tàu.

Theo giấy phép đăng ký kinh doanh, đây là trụ sở của VMG. Song trên thực tế, VMG đã chuyển hoạt động về TP.HCM

Sai phạm trong điều hành

Trong đơn kiện, nhóm cổ đông đã chỉ ra những sai phạm trong quá trình điều hành doanh nghiệp và tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) của lãnh đạo VMG, chủ yếu là ông Nguyễn Quang Ninh, Tổng giám đốc.

Nhóm cổ đông nêu bằng chứng: trong thời gian làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc VMG, ông Ninh đã nhiều lần tự ý ký kết hợp đồng giao dịch với Công ty TNHH An Thuận do bà Trần Thị Lài (là vợ ông) làm Tổng giám đốc. Theo Luật Doanh nghiệp, thì các giao dịch như vậy phải thông qua HĐQT mới được coi là hợp pháp.

Báo cáo về kết quả kinh doanh năm 2010 của VMG có nhiều điểm bất hợp lý, như hàng tồn kho (gas) vượt quá khả năng kho chứa thực tế; bán hàng thu tiền ngay, nhưng công nợ lại vượt mức cho phép; doanh thu năm 2010 đạt 288,3 tỷ đồng, thấp hơn 86 tỷ đồng so với năm 2009, nhưng chi phí bán hàng lại tăng quá cao 34% (6,34 tỷ đồng)…

Trong quá trình triệu tập ĐHĐCĐ thường niên 2011, VMG có 2.597 cổ đông có quyền tham dự (theo số liệu của Trung tâm Lưu ký chứng khoán ngày 15/3/2011), nhưng VMG chỉ xuất trình được 313 phiếu chuyển phát thư mời cho cổ đông đến dự Đại hội lần 1 và 107 phiếu chuyển phát thư mời cổ đông đến dự Đại hội lần 2. Sau 2 lần tổ chức không thành, cuối cùng, ĐHĐCĐ lần 3 được tổ chức ngày 28/6/2011, với nhiều tình tiết bất thường. Chẳng hạn, có rất nhiều giấy ủy quyền tham dự, trong đó có 1 giấy ủy quyền của Ngân hàng TMCP Đông Á ủy quyền cho bà Nguyễn Thị Tân Hoa tham dự Đại hội và biểu quyết, nhưng không ghi rõ số cổ phần ủy quyền là bao nhiêu. Do đó, không thể biết được tỷ lệ cổ phần có cổ đông tham gia Đại hội cũng như các số liệu liên quan đến việc biểu quyết. Như vậy, ĐHĐCĐ lần 3 cũng không có cơ sở để xác định số đại biểu đủ tư cách tham dự.

Không chỉ có vậy, với số cổ đông biểu quyết đồng ý chỉ đạt 51,47%, song biên bản ĐHĐCĐ lần 3 vẫn được đăng tải tại website của VMG. Ngày 30/6/2011, Công ty cổ phần Chứng khoán SJC (là đơn vị tư vấn cho VMG) đã có Văn bản 394/CV-SJCS/2011 gửi ông Ninh lưu ý việc công bố Biên bản Đại hội lần 3 với tỷ lệ cổ đông biểu quyết chưa đạt tới 65% là trái với Luật Doanh nghiệp. Ngay sau đó, (ngày 1/7/2011), biên bản ĐHĐCĐ lần 3 đã được chỉnh sửa “làm đẹp lại” cho phù hợp.

Tất cả các sai phạm nói trên của lãnh đạo VMG đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thông báo tại Công văn số 2219/UBCK-QLPH ngày 20/7/2011. Trong đó, nhấn mạnh VMG “có dấu hiệu vi phạm Luật Doanh nghiệp và Điều lệ công ty về trình tự và thủ tục triệu tập ĐHĐCĐ. Nghị quyết ĐHĐCĐ số 01/2011/NQ-ĐHĐCĐ ngày 28/6/2011 không thông qua Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh năm 2010 và Kế hoạch kinh doanh năm 2011 có thể ảnh hưởng lớn đến hoạt động của Công ty… Vi phạm thường xuyên về công bố thông tin”.

Để bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư, bảo đảm tính minh bạch của thị trường, ngăn chặn việc lợi dụng biến động về giá cổ phiếu VMG, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội đã quyết định đưa cổ phiếu VMG vào diện tạm ngừng giao dịch kể từ ngày 26/7/2011.

Lãnh đạo VMG bất hợp tác

Người bị khởi kiện theo đơn của nhóm cổ đông là ông Ninh, nhưng trong 3 phiên hòa giải do Tòa án Nhân dân Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức, ông Ninh đều không có mặt hoặc ủy quyền cho bà Nguyễn Thị Tân Hoa là tân Chủ tịch HĐQT đã được bầu trong ĐHĐCĐ năm 2011 lần 3, vốn chưa được nhóm cổ đông khởi kiện công nhận.

Trong khi làm việc theo ủy quyền của ông Ninh, bà Hoa đều từ chối trả lời các chất vấn về mọi vấn đề liên quan, với lý do mới nhậm chức.

Từ sau ĐHĐCĐ lần 3, ông Ninh đã thôi chức vụ là người đại diện pháp luật, nhường chỗ cho bà Hoa, nhưng lại nắm giữ chức vụ ủy viên thường trực, trên thực tế điều hành mọi hoạt động của VMG.

Trong năm 2010, VMG lỗ gần 39 tỷ đồng. Đến hết quý III/2011, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng, doanh thu giảm, nên lỗ lũy kế của VMG đã hơn 56 tỷ đồng, vượt quá 50% vốn điều lệ.

Những lình xình đang diễn ra tại VMG đã khiến gần 200 nhà đầu tư bỏ tiền vào mã cổ phiếu có dính dáng đến “họ dầu khí” này đang như ngồi trên đống lửa, khi bị “chôn tiền” ở đây.

Sự việc đã rõ, song các cơ quan nhà nước có thẩm quyền vẫn chưa vào cuộc một cách quyết liệt. Việc chậm giải quyết đơn kiện của một số cổ đông VMG đã ảnh hưởng tới quyền lợi chính đáng của họ và nhiều nhà đầu tư trên TTCK.

Theo Dau tu


Từ khóa: