Để hỗ trợ doanh nghiệp (DN), đã có nhiều biện pháp được triển khai, trong đó đáng chú ý là 2 gói hỗ trợ lớn. Ngay sau khi Chính phủ đưa ra gói hỗ trợ 29.000 tỷ đồng thì TP.HCM cũng tung ra gói hỗ trợ DN 30.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc tiếp cận nguồn vốn này không hề dễ.
Để hỗ trợ doanh nghiệp (DN), đã có nhiều biện pháp được triển khai, trong đó đáng chú ý là 2 gói hỗ trợ lớn. Ngay sau khi Chính phủ đưa ra gói hỗ trợ 29.000 tỷ đồng thì TP.HCM cũng tung ra gói hỗ trợ DN 30.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc tiếp cận nguồn vốn này không hề dễ.
Ngân hàng vẫn chối quanh
Mẫu số chung của hai gói hỗ trợ của Chính phủ và thành phố trực thuộc Trung ương này là dù tiền nhiều, hỗ trợ nhiều nhưng DN không dễ để tiếp cận sự hỗ trợ có phần phóng khoáng này. Hay nói một cách khác, DN biết rằng, các ngân hàng đang thừa tiền nhưng để vay tiền từ ngân hàng thì không phải dễ vì phải có tài sản thế chấp. Dĩ nhiên, DN có nhà xưởng, máy móc nhưng trót đã cầm cho ngân hàng trước đó rồi nên giờ có muốn thế chấp cũng không được.
Một DN đang hoạt động tại khu Nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM cho biết, năm 2010 đã bỏ ra gần 10 tỷ đồng để mua máy móc, thiết bị. Thiết bị chính hiệu có những hóa đơn chứng từ đàng hoàng nhưng khi đem số lượng thiết bị máy móc này đi vay ngân hàng thì cán bộ ngân hàng cho vay số tiền tương đương 30% giá trị của đơn hàng này.
Lý giải của cán bộ ngân hàng là chỉ chấp nhận cho vay với giá trị đó là lo sợ một khi DN hoạt động không hiệu quả, số máy móc này ngân hàng sẽ không biết bán lại cho ai.
Trong khi đó, đại diện DN trong khu Công nghệ cao TP.HCM than thở, khi DN than khó vay vốn vì không có tài sản thế chấp, các ngân hàng liền phát đi một thông điệp “trấn an” rằng tài sản thế chấp không phải là yếu tố quyết định đến khoản vay, quan trọng là DN phải có phương án kinh doanh rõ ràng thì chuyện tiền nong với ngân hàng "dễ như trở bàn tay".
Nói là thế thôi, chứ khi DN có phương án kinh doanh đàng hoàng, được các chuyên gia đánh giá là tối ưu nhưng khi đặt lên bàn cán bộ tín dụng… thì những đánh giá của chuyên gia điều bằng không.
Theo giải thích của vị giám đốc này, do cán bộ tín dụng chỉ có một ít kiến thức về tài chính mà không có kiến thức về đầu tư công nghệ cao nên không hiểu gì về những phương án kinh doanh của công ty ông. Một khi họ không hiểu thì chuyện vay tiền từ phương án kinh doanh tốt - như cách mà lãnh đạo các ngân hàng trấn an DN trước đó - chẳng khác nào theo kiểu "nước đổ lá khoai", nói cho sướng miệng.
Thực tế, với số tiền 30.000 tỷ đồng mà TP. HCM muốn hỗ trợ DN, tính đến nay, chỉ có chưa đến 100 DN trong số 140.000 DN đang hoạt động trên địa bàn được tiếp cận. Số tiền mà DN muốn vay chưa đến 10% tổng số tiền nói trên.
Trong số những người muốn vay, đa phần DN muốn có nguồn tiền mới để trả nợ số tiền lỡ vay các ngân hàng với lãi suất gần 20% trước đó. Còn lại đều rất khó khăn khi tiếp cận vốn khi chưa thể vượt qua được rào cản về đòi hỏi thế chấp, thậm chí nếu có tài sản thế chấp nhưng nếu kế hoạch kinh doanh không ưng ý ngân hàng thì cũng không dễ qua được vòng thẩm định.
Chính vì thế, sau khi đưa ra gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng, Ban Kinh tế và Ngân sách Hội đồng nhân dân TP.HCM đã đi làm việc trực tiếp với các DN để xúc tiến gói hỗ trợ này. Tại một cuộc họp của ban này với một công ty xuất nhập khẩu lương thực của thành phố, 3 trong số 5 thành viên của đoàn làm việc khi đến lượt mình phát biểu đều đưa ra một câu hỏi là DN có gặp khó khăn gì về vốn không, có muốn TP.HCM hỗ trợ không mà chưa thấy ai đề cập đến cái khó nhất của DN là làm sao để tiếp cận được vốn.
Theo các DN, điều cần thiết lúc này không còn là thiếu vốn hay lãi suất cao mà vấn đề là điều kiện tiếp cận vốn quá khó cho DN. Nói cụ thể hơn là làm sao giải quyết được nợ cũ, vấn đề hàng tồn kho, tài sản thế chấp… Hay nói cách khác là làm sao ngân hàng thông cảm cho DN trong điều kiện hiện nay để có những phương án linh hoạt, giải được nợ cũ và vay nợ mới với lãi suất thấp hơn. Điều đó thì không thấy được đề cập.
Thậm chí, một thành viên trong đoàn làm việc vốn đang kiêm luôn chức tổng giám đốc một công ty kinh doanh thực phẩm còn mách nước là DN cứ kêu đi, kêu thảm thiết vào vì nếu kêu nhiều thì mới được chú ý. Vị này cũng không quên đưa ra dẫn chứng là công ty do ông là tổng giám đốc nhờ liên tục kêu, gặp ai cũng kêu… nên được vay một số tiền lên tới hơn 1.000 tỷ đồng với lãi suất thấp hơn nhiều lần so với lãi suất của ngân hàng vào thời điểm cao nhất. Tuy nhiên, theo các DN, kêu nhiều lắm rồi, các biện pháp giải cứu cũng có rồi, vấn đề là ngân hàng và DN phải ngồi lại với nhau để cùng gỡ khó chứ kêu hoài hẳn có ích gì ngoài việc làm rối thêm tình hình.
Thờ ơ với vốn
Trong khi nhiều DN cần vốn không được vay thì có không ít DN đủ điều kiện lại tỏ ra thờ ơ không cần vốn. Đây không hẳn là DN có nhiều tiền mà đơn giản là họ chưa có phương án khả thi nào cho kinh doanh nên cách tốt nhất là làm tà tà, chờ đợi cơ hội, không dám bung sức nên không cần vốn.
Điều này được Hiệp hội DN TP. HCM thừa nhận khi vào đầu tháng 6 đã gửi email thông báo cho hơn 8.000 DN hội viên về gói hỗ trợ nhưng số DN phúc đáp có quan tâm chưa đến 100. Con số này thể hiện một điều khá rõ ràng, DN khi hỏi thì than thiếu vốn nhưng ngại vay tiền từ ngân hàng.
Theo các DN, nguyên nhân là gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng do thành phố đứng ra làm cầu nối giữa DN và ngân hàng là cách làm không đột phá. Bởi vì, không cần cầu nối là UBND Thành phố thì họ vẫn có thể vay tiền nếu đáp ứng được yêu cầu của ngân hàng như có tài sản thế chấp.
Trao đổi với Diễn đàn Kinh tế Việt Nam – VEF, một DN cho biết, thế mạnh của công ty là xuất khẩu lương thực, nhưng 6 tháng đầu năm việc xuất khẩu không đạt kết quả như mong đợi. Kinh doanh của công ty trông chờ vào hệ thống bán lẻ hơn 50 cửa hàng nằm rải rác trên khắp thành phố. Tính ra, doanh thu của hệ thống cửa hàng mỗi tháng đem về cho công ty hơn 70 tỷ đồng là đủ cầm cự, nuôi quân và có tý tích lũy qua thời khó khăn.
Doanh thu trong 6 tháng đầu năm của công ty chủ yếu là từ bán lẻ (chiếm 62%), còn lại 38% là từ xuất khẩu lương thực. Công ty này đang có kế hoạch tiếp tục mở thêm nhiều hệ thống cửa hàng bán lẻ trên địa bàn TP.HCM, số tiền để thực hiện việc này cũng khá nhiều nhưng lại không muốn vay tiền từ ngân hàng. Lý dolà khi đã vay thì phải trả, mà trong giai đoạn biến động này, vay vốn mở rộng kinh doanh sẽ có nhiều rủi ro.
Vì thế, ban giám đốc công ty chủ ý cố gắng hoạt động trong khả năng tài chính của mình là tốt nhất. Bởi nếu đầu tư một thương vụ làm ăn mới vào lúc này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Đây cũng là một tâm lý dễ hiểu khi qua giai đoạn biến động vừa qua không ai mạo hiểm với kế hoạch kinh doanh phụ thuộc vào vốn vay, nhất là khi nền kinh tế thế giới lẫn Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi khó khăn.
Vì thế, một chuyên gia kinh tế cho rằng, gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng của TP.HCM đã ít nhiều không mang lại mong đợi nhiều cho những người đưa ra ý tưởng lẫn những người nhận được sự hỗ trợ. Nhưng nên chăng, những nhà hoạch định chính sách hãy thay đổi cách làm từ cứu DN quay sang hỗ trợ người dân để kích thích tiêu dùng trong dân. Có như vậy, lượng hàng tồn kho sẽ xuống thấp, DN có vốn để hoạt động trở lại, có tiền để trả nợ ngân hàng.
Quỳnh Vân
Theo Vietnamnet