Sự kiện hot
13 năm trước

Vốn vay ưu đãi giúp thanh niên lập nghiệp

KTNT - Những năm qua, từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), nhiều thanh niên ở thị xã Sông Cầu (Phú Yên) không chỉ có việc làm ổn định mà còn vươn lên làm giàu nhờ mô hình nuôi tôm hùm.

KTNT - Những năm qua, từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), nhiều thanh niên ở thị xã Sông Cầu (Phú Yên) không chỉ có việc làm ổn định mà còn vươn lên làm giàu nhờ mô hình nuôi tôm hùm.


Vốn NHCSXH tiếp sức cho nhiều thanh niên thị xã Sông Cầu nuôi tôm hùm.

Thị xã Sông Cầu có 4.947 đoàn viên, thanh niên, trong đó hàng trăm thanh niên đã xây dựng được những mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao, điển hình như mô hình nuôi tôm hùm của Huỳnh Ngọc Hóa (sinh năm 1981) ở thôn Vịnh Hòa, xã Xuân Thịnh.

Trước đây, gia đình Hóa thuộc diện khó khăn. Để duy trì cuộc sống, hàng ngày anh phải xuống đầm lặn bắt cua, ghẹ, tôm hùm giống về bán. Từ năm 1998, thông qua kênh Đoàn Thanh niên, Hóa được vay 15 triệu đồng từ Ngân hàng Phục vụ người nghèo (nay là NHCSXH). Với số tiền này, Hóa đầu tư làm lồng, thả nuôi 100 con tôm hùm. Mỗi ngày Hóa dùng lưới ra đầm đánh bắt cá nên ít tốn tiền mua thức ăn cho tôm. Nhờ vậy, qua gần 2 năm thả nuôi, Hóa thu lãi hơn 70 triệu đồng. Có vốn, Hóa mạnh dạn đầu tư vào vụ tôm sau, cứ thế đến vụ tôm năm 2011, Hóa xuất bán 3.000 con tôm hùm, thu lợi gần 800 triệu đồng.

Hóa cho biết: "Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH mà tôi đã đổi đời. Đến nay, không chỉ trả hết nợ mà tôi còn có tiền trang trải cho cuộc sống gia đình. Sắp tới, tôi sẽ tiếp tục đầu tư nuôi tôm hùm với quy mô lớn hơn. Tôi sẵn sàng truyền lại kinh nghiệm cho thanh niên địa phương để cùng nhau làm ăn, phát triển kinh tế".

Gia đình Huỳnh Văn Đài (sinh năm 1983) ở thôn Dân Phú 2, xã Xuân Phương cũng là điển hình thoát nghèo nhờ nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH. Đài cho biết: "Vùng đất này rất thuận lợi cho việc nuôi tôm, nhưng những năm trước do không có vốn nên tôi đành chấp nhận đi làm thuê. Năm 2007, nhờ vay được 15 triệu đồng của NHCSXH, đầu tư vào nuôi tôm hùm lồng, qua một vụ nuôi, tôi thu lãi gần 50 triệu đồng. Lấy ngắn nuôi dài, số tiền lời và vốn của vụ trước tôi tiếp tục đầu tư mua tôm giống nuôi vụ sau. Cứ thế, đến vụ tôm năm 2010, tôi xuất bán 300 con, lãi trên 120 triệu đồng".

Nhờ có thu nhập cao từ việc nuôi tôm hùm, những năm gần đây, không có thanh niên nào ở thị xã Sông Cầu để nợ vay phải quá hạn trả. Ông Huỳnh Ngọc Ẩn, Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH thị xã Sông Cầu cho biết: "Từ năm 2007 đến nay, ngân hàng đã cho 495 hộ thanh niên vay thông qua 21 Tổ tiết kiệm và vay vốn do Đoàn Thanh niên quản lý, với dư nợ hơn 6,9 tỷ đồng để phát triển kinh tế. Riêng thanh niên xã Xuân Thịnh vay 2 tỷ đồng để nuôi tôm".

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số thanh niên chưa tiếp cận được nguồn vốn vay này. Theo ông Ẩn, sở dĩ có tình trạng trên là do một số thanh niên có hộ khẩu chung với ba mẹ và họ đã vay vốn của ngân hàng trước đó rồi, một số hộ đủ điều kiện vay thì chưa thành lập được tổ. "NHCSXH không thiếu vốn. Hàng năm, nguồn vốn cho vay của ngân hàng liên tục xoay vòng nên thanh niên chỉ cần vận động đủ số lượng đoàn viên để thành lập Tổ tiết kiệm và vay vốn, hội tụ đủ điều kiện thì ngân hàng giải quyết cho vay ngay. Còn không thành lập được tổ thì địa phương sẽ phân nguồn vốn đó cho kênh Hội Phụ nữ hoặc Hội Nông dân quản lý, vì vậy ai không vay được qua kênh Đoàn Thanh niên thì tham gia vào Tổ tiết kiệm và vay vốn của Hội Phụ nữ, Hội Nông dân để có thể sử dụng vốn", ông Ẩn cho biết.

Bí thư Đoàn Thanh niên thị xã Sông Cầu Lê Thị Hoàng Oanh cho biết: "Những năm qua, tổ chức Đoàn của thị xã đã hướng dẫn thanh niên các kiến thức kỹ thuật, giới thiệu những mô hình làm kinh tế hiệu quả để họ học hỏi kinh nghiệm. Ngoài ra, hàng tháng, khi họp giao ban với NHCSXH, chúng tôi cũng đề nghị ngân hàng tạo điều kiện thuận lợi để thanh niên tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi. Tuy nhiên, từ năm 2009 đến nay, thanh niên xã Xuân Thọ 1 vẫn chưa quản lý được nguồn vốn này, do vướng một số điều kiện của ngân hàng. Trong thời gian tới, NHCSXH nên tạo điều kiện hơn nữa để thanh niên xã này tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi phát triển kinh tế gia đình".

Việc NHCSXH đã "tiếp sức" cho thanh niên khai thác hiệu quả nguồn vốn đã đáp ứng được nguyện vọng thiết thực cho nhiều gia đình trẻ. Tuy nhiên, một số thanh niên cho rằng, chính sách vay vốn còn bó hẹp, vốn cho vay ít so với nhu cầu thực tế, nên không đủ đầu tư vào sản xuất, vì vậy NHCSXH nên xem xét nâng mức cho vay để thanh niên có điều kiện triển khai các mô hình sản xuất hiệu quả.

Phú Hà
Theo kinhtenongthon

Từ khóa: