Sự kiện hot
6 năm trước

Vụ ca sĩ nổ túi ngực trên máy bay: Bác sĩ tiết lộ nguyên nhân

Trước thông tin về sự cố hi hữu "nổ túi ngực" khi đi máy bay của một ca sĩ, giới chuyên môn cho biết túi ngực có thể bị rách, thủng do“lão hoá” chứ không bị nổ do áp lực khi đi máy bay.

Vụ ca sĩ nổ túi ngực trên máy bay: Bác sĩ tiết lộ nguyên nhân - Ảnh 1.

Hình nữ ca sĩ và túi ngực bị vỡ trên máy bay - Ảnh: Facebook

Mới đây, trên Facebook của một ca sĩ đã chia sẻ thông tin về ca sĩ Mai T.V. (nghệ danh Ivy Trần, 38 tuổi) phải điều trị tại một bệnh viện thẩm mỹ vì vỡ túi ngực trên máy bay sau mà nguyên nhân có thể do áp suất trong máy bay.

Trước thông tin này, PGS-TS Vũ Ngọc Lâm, Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật - Hàm mặt - Tạo hình (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108), khẳng định trên thế giới chưa ghi nhận trường hợp nào bị nổ túi nâng ngực do áp lực khi đi máy bay. Theo PGS Lâm, túi ngực có thế bị rách, thủng... chứ không thể bị nổ.

Cũng theo PGS Lâm, phương pháp nâng ngực đặt túi silicone hiện nay khá an toàn. Do đó, cụm từ "nổ túi ngực" không hoàn toàn chính xác về mặt chuyên môn. Túi ngực có thể bị rách, bị thủng và chảy silicone trong trường hợp có tổn thương với bao túi ngoài nhưng không thể bị nổ. Nổ túi ngực khi đi máy bay không có cơ sở bởi sự thay đổi áp suất máy bay cũng như trong các tình huống khác đều khó có thể xảy ra. 

Trong trường hợp của nữ ca sĩ Ivy Trần, có thông tin cho biết túi ngực đã được đặt 7 năm, do đó cũng thể gặp phải những nguy cơ như bị thủng hoặc rách vì các hoạt động thường ngày và các biến chứng sưng đau có thể trùng hợp với thời gian ở trên máy bay. Điều này đã dẫn đến tình trạng túi ngực của nữ ca sĩ bị rách và chảy chất silicone ra khỏi túi gel.

Trên thực tế, khi túi ngực bị rách và thủng thường gây đau và sưng. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào thể trạng của bệnh nhân, cách phát hiện kịp thời và xử lý đúng. Bản chất túi ngực đặt trong cơ thể trong một thời gian dài, cơ thể sẽ tự hình thành các mô xơ bao xung quanh vỏ túi. Khi vỏ túi rách và thủng thì chất gel silicone khi bị rách và thủng sẽ nằm trong khoang đó. 

Do đó, chất gel này sẽ chỉ nằm trong khoang, gây kích ứng, gây viêm nhưng không nhiễm và di truyền vào cơ thể người. Điều này khác hoàn toàn với phương pháp nâng ngực bằng gel silicone bơm trực tiếp vào cơ thể trước đây vốn nguy hiểm hơn rất nhiều. Về mặt chuyên môn, có thể xử lý được một cách đơn giản mà không bị hư hại. Sau khi mở khoang, phần gel hư hại sẽ được lấy ra một cách an toàn và vết thương lành lại cũng khá nhanh chóng.

Vụ ca sĩ nổ túi ngực trên máy bay: Bác sĩ tiết lộ nguyên nhân - Ảnh 2.

Bác sĩ khuyến cáo nên kiểm tra túi ngực nếu ngực có dấu hiệu đau và sưng

Cũng theo PGS Lâm, thông thường, độ bền của túi ngực rất lâu tuy nhiên độ "lão hóa" của túi là không thể tránh khỏi. 

Ngoài ra, phụ thuộc vào chất liệu cấu thành nên túi ngực sẽ quyết định đến việc silicone có thể rò rỉ ra bên ngoài hay không sau một thời gian dài sử dụng. Tùy vào chất lượng của túi mà độ bền sẽ khác nhau, có thể từ 7 - trên 10 năm. Do đó, biện pháp an toàn và tốt nhất để bệnh nhân có thể kiểm tra được tình trạng này chính là nên thực hiện các cuộc thăm khám định kỳ tại các bệnh viện hoặc trung tâm thẩm mỹ sau khi phẫu thuật nâng ngực bằng túi ngực để biết được khi nào cần phải thay thế túi độn ngực.

Kh.Anh
Người Lao Động

Từ khóa: