“Theo quy định của luật pháp, người tiêu dùng có quyền được yêu cầu bồi thường thiệt hại”, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội tiêu chuẩn và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) cho biết.
Liên tiếp trong thời gian gần đây, hành vi gian lận của nhân viên tại các cây xăng bị vạch trần khiến người tiêu dùng vô cùng bức xúc. Gần đây nhất, từ phản ánh của độc giả, báo Đời sống và Pháp luật đã vạch trần hành vi gian lận của nhân viên tại cây xăng Chi nhánh kinh doanh xăng dầu số 2, thuộc Công ty CP ô tô khách Hà Tây (cạnh bến xe Hà Đông cũ) có địa chỉ tại số 143 đường Trần Phú, quận Hà Đông, Hà Nội.
Lợi dụng sự chủ quan, sơ hở của khách hàng, các nhân viên tại đây đã thực hiện hành vi ăn bớt xăng ra chai nhựa với số tiền cho mỗi lần ăn bớt là gần 10.000 đồng. Sau đó, các nhân viên tiếp tục đổ nối số cho khách. Bằng chiêu thức này, không biết đã có bao nhiêu khách hàng trở thành “con mồi” cho các nhân viên trục lợi.
Nhân viên tại cây xăng số 143 đường Trần Phú, quận Hà Đông, Hà Nội đã thừa nhận hành vi gian lận của mình.
Trước đó, hàng loạt nhân viên có hành vi gian lận tại các cây xăng đã bị phát hiện như ngày ngày 4/8, báo Dân trí phát hiện thủ đoạn lừa đảo nhằm móc túi khách hàng tại cây xăng số 199 đường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Hay, bằng thủ đoạn bơm nối số từ xe máy để bẫy ô tô, nữ nhân viên bơm xăng tại cây xăng trên đường Nghiêm Xuân Yêm (Nguyễn Xiển kéo dài), Thanh Trì, Hà Nội đã gian lận được cả trăm nghìn đồng với mỗi xe ô tô.
Trước đó, vào chiều ngày 1/8/2013, Công an quận Từ Liêm (Hà Nội) đã có buổi làm việc, lấy lời khai 3 nhân viên tại cây xăng số 342 đường Phạm Văn Đồng để phục vụ công tác điều tra, làm rõ hành vi gian lận bằng thủ đoạn bơm nối số và xoá số.
Có thể nói, hành vi gian lận của các nhân viên làm việc tại cây xăng đang trở thành một vấn đề nhức nhối trong xã hội, gây bức xúc và ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người tiêu dùng. Trong khi, hình thức xử phạt được áp dụng trong những trường hợp bị phát hiện dường như chỉ dừng lại ở mức răn đe, phạt cảnh báo, kiểm điểm, đình chỉ công tác, hay mức phạt hành chính chỉ từ vài trăm nghìn đồng cho tới vài triệu đồng.
Như vậy, so sánh giữa lợi nhuận thu về từ việc gian lận và mức phí nộp phạt khi hành vi bị phát hiện thì đây quả là một con số khập khiễng. Cuối cùng thì người tiêu dùng luôn là đối tượng trực tiếp chịu thiệt thòi.
Đánh giá về vấn đề nhức nhối này, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội tiêu chuẩn và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) cho biết: “Hiện tượng “móc túi” khách hàng qua hành vi gian lận khi bán xăng đã được báo chí phát hiện, phanh phui từ lâu, cơ quan chức năng đã vào cuộc, có vụ phải truy tố, nhưng đến nay ở đâu đó vẫn ngang nhiên tồn tại. Tôi cho rằng đây là vấn đề không thể chấp nhận được, cần phải bị xử lý nghiêm”.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas).
Được biết, từ trước đến nay chưa có trường hợp người tiêu dùng nào được bồi thường khi hành động gian lận của nhân viên cây xăng được phát hiện, trong khi chính họ lại là những người trực tiếp chịu thiệt thòi. Đề cập đến vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng: “Một khi hành vi bớt xén của khách hàng trót lọt thì rõ ràng quyền lợi của người tiêu dùng đã bị ảnh hưởng.
Đối với một người tiêu dùng, thiệt hại một lần dù nhiều hay ít đã đáng nói. Vì đó là hành vi xâm hại trắng trợn tài sản của họ. Nhưng hành vi gian lận đó xảy ra hàng ngày, hàng giờ với số đông khách hàng thì số tiền thu lợi bất chính đó lại càng lớn, cần phải vạch trần và xử lý nghiêm. Về nguyên tắc, theo quy định của luật pháp, người tiêu dùng có quyền được yêu cầu bồi thường thiệt hại”.
Nói về hình thức xử phạt đối với hành vi gian lận của các nhân viên cây xăng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội tiêu chuẩn và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam chia sẻ: “Ở góc độ đạo đức, hành vi trên thực chất là ăn cắp một phần tài sản của khách hàng thông qua thủ đoạn gian lận khi bán hàng nói chung đều bị xã hội lên án rất mạnh mẽ và trong nhiều trường hợp bị người dân “tự xử” rất nặng. Tất nhiên, không ai khuyến khích việc “tự xử” để rồi dẫn đến những hậu quả đáng tiếc. Vì vậy, tôi nghĩ cần phải có biện pháp xử làm sao để hành vi đó phải được ngăn chặn triệt để. Thu lợi bất chính nhiều lần, một lần bị phát hiện phạt chỉ bằng một phần thì không có tác dụng răn đe”.
Theo đó, ông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: “Theo tôi trách nhiệm trước hết thuộc về đơn vị quản lý nhân viên đó, sau đó là cơ quan chức năng trên địa bàn. Còn người tiêu dùng đã là nạn nhân thì không thể đòi hỏi trách nhiệm ở họ. Nhưng khi phát hiện thì người tiêu dùng cũng như các tổ chức, trong đó có Hội tiêu chuẩn và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cần lên tiếng tố cáo với cơ quan có thẩm quyền của nhà nước để kiểm tra, xử lý, ngăn chặn”.
Phạm Liễu
theo ĐSPL